Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ trên Vnexpress, rượu giàu calo (7calo/g) còn hàm lượng của caffeine trong các thức uống 35-200 mg. Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.
Uống rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.
Nước ngọt có ga hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm bạn đau đầu, chóng mặt. Ethanol có hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều.
Uống rượu pha với nước có ga, dạ dày phải tiết nhiều chất nhờn mà không hình thành axit chlorhydric, lâu dài làm giảm khả năng tiêu hóa của dạ dày.
Ngoài ra, hầu hết mọi người pha rượu theo cảm tính, không dựa trên tỷ lệ khoa học. Do đó người uống gặp nhiều tác dụng phụ như biếng ăn, đầy hơi, viêm đại tràng, tiểu đường...
Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.
GS.TS Hoàng Đình Hòa, Viện công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, theo cảnh báo của WHO, cứ 1kg thể trọng trong một ngày chỉ nên đưa vào cơ thể 1g cồn = 1,2ml cồn, mà hàm lượng cồn có trong bia khoảng 4 - 5%, tương ứng 40 - 50ml cồn có trong 1l bia.
Như vậy, một người có thể trọng khoảng 60kg, trong một ngày đêm chỉ nên uống tối đa 1 - 1,5l bia, nhưng uống rải ra trong ngày, chẳng hạn buổi trưa uống 1 cốc (1/2l), buổi chiều uống 1 cốc (1/2l).
Trong bia có nhiều hợp chất như rượu bậc cao, andehit (axit với rượu trung gian)... nếu uống liền một lúc, trong thời gian ngắn với số lượng nhiều thì những chất này đi vào cơ thể, có thể gây đau đầu. Nếu cảm giác này thường xuyên sẽ có hại tới hệ tuần hoàn.
Cơ thể hấp thụ cồn rất nhanh, chưa kịp giải phóng năng lượng, dẫn đến tim làm việc nhiều khiến mạch máu giãn, thậm chí vỡ mạch máu, nhồi máu cơ tim. Mặt khác trong bia có một số chất đường, béo, hàm lượng đường chiếm 25g/lít, dẫn đến người béo phì, ảnh hưởng đến huyết áp và có nguy cơ bị tiểu đường cao. Điều đặc biệt, người uống bia, rượu nhiều, thời gian đầu có thể nhu cầu tình dục cao, nhưng nó sẽ giảm dần.
Lạm dụng rượu pha còn làm suy yếu sức khỏe gây mệt mỏi, trầm cảm thậm chí là nghiện rượu. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo không nên tự thực hiện pha chế, nhất là pha với các chất kích thích không rõ nguồn gốc và thành phần.
Không để người ngộ độc một mình, cần theo dõi tình trạng tri giác, thân nhiệt và xem tình trạng hô hấp. Kêu gối cho nạn nhân nằm, đầu và vai cao hơn.
Nếu người ngộ độc bất tỉnh kèm theo hiện tượng ứ đọng đờm rãi, thở khò khè cần cho nằm nghiêng một bên và tìm cách gây nôn, xát mạnh hai bên má. Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân.
Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống.
Uống nhiều nước ấm để không bị mất nước. Có thể cho bệnh nhân uống các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như nước gừng tươi, nước cà chua...
Uống nhiều rượu bia gây hại đến niêm mạc dạ dày, vì thế tránh sử dụng các loại thuốc giảm đau paracetamol, efferagan, nó sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn và có hại cho gan.
Không sử dụng các chất chống nôn vì sẽ làm chất độc ứ đọng lại cơ thể, không đào thải ra ngoài.
Nếu lay gọi người bệnh không tỉnh, cần xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.