Thứ tư, 24/04/2024 | 02:39
RSS

Người bố bạo hành con dã man ở Hà Nội sẽ bị xử lý ra sao?

Thứ ba, 25/12/2018, 19:38 (GMT+7)

Luật sư Đặng Văn Cường đã có những phân tích về vụ việc bố bạo hành con dã man xảy ra tại huyện Ba Vì (Hà Nội) gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Đoạn clip ghi lại cảnh Trần Văn T. có hành vi đánh đập dã man con gái là em Trần Thư H.

Liên quan đến vụ việc Trần Văn T. (SN 1977, trú tại Đội 3, thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội) có hành vi bạo hành con gái là em Trần Thư H. (SN 2003) gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những phân tích về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý.

Theo Luật sư Cường, bạo hành trẻ em là nỗi đau không chỉ với trẻ em, với cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em mà còn là nỗi đau của cả xã hội trong nhiều năm nay. Bởi người bạo hành trẻ em thường lại là cha mẹ, thầy cô giáo, người gần gũi, thân thích với trẻ em.

Có những vụ bạo hành mà đối tượng đánh đập, bạo hành trẻ em thực hiện những hành vi tra tấn, đối xử tàn ác như thời trung cổ. Nhiều vụ việc trẻ em đã thiệt mạng, thương tích nghiêm trọng, sang chấn tâm lý, gây ra những hậu quả lâu dài... gây hoang mang, lo lắng trong xã hội.

Nguyên nhân những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em còn xảy ra nhiều, khó kiểm soát là do công tác phòng ngừa chúng ta làm chưa tốt, khó phát hiện, khó xử lý... dẫn đến trẻ em luôn có những nguy hiểm rình rập ngay cả ở những nơi có vẻ như an toàn nhất (gia đình, trường học).

Trong vụ việc nêu trên, qua clip cho thấy hành vi của Trần Văn T. là đánh đập, hành hạ con gái là em Trần Thư H., hoàn toàn có thể gây thương tích cho em H. Hơn nữa, hành vi trên gây phẫn nộ cho xã hội.

Trong vụ việc này, cơ quan công an cần vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân làm rõ hậu quả thương tích, tổn thương tâm lý của em H. này và một số tình tiết khác như hành vi của người đàn ông này trong thời gian trước đây với em H... để làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật

Nếu kết quả giám định thương tích cho thấy em bé đó đã bị thương tích, dù chỉ là một vài phần trăm thì người đàn ông này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung, tăng nặng hình phạt là phạm tội với trẻ em, có tính chất côn đồ...

Xử lý như nào người bố bạo hành con dã man ở Hà Nội?Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên; b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên; e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình; h) Có tổ chức; i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê; m) Có tính chất côn đồ; n) Tái phạm nguy hiểm; o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.

4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Làm chết 02 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trong trường hợp kết quả giám định thương tích cho thấy em H. không có thương tích, hành vi bạo hành không để lại thương tích thì người đàn ông này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác” nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể tội danh được quy định như sau: "Điều 140 “Tội hành hạ người khác”

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên.”

Như vậy, nếu không đủ căn cứ để xử lý đối tượng đánh trẻ em về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng kết quả xác minh, điều tra cho thấy đối tượng này có mối quan hệ phụ thuộc với nạn nhân và hành vi của đối tượng này được xác định là "đối xử tàn ác" với nạn nhân, làm nạn nhân đau đớn về thể xác, tinh thần, tình trạng kéo dài, liên tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sức khỏe của nạn nhân thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác”.

Trong trường hợp hành vi không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc tội hành hạ người khác thì vẫn có thể áp dụng chế tài hành chính, xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng này số tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

T.K
Theo Đời sống Plus/GĐVN