Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:17
RSS

Lời cuối của người ăn mày có chân lở loét: "Tôi xin lỗi những người đã giúp mình"

Thứ năm, 24/11/2016, 06:39 (GMT+7)

Hùng cho biết thêm, bản thân cũng thấy bất ngờ khi người anh trai động viên, an ủi và mong mình sớm quay về để đoàn tụ với gia đình.

“Chú không ở với mẹ thì ở với anh”

Chiều 22/11, sau một hồi tìm kiếm những khu vực mà người ăn mày Phạm Thanh Hùng hay lui tới, PV gặp Hùng đang ngủ trong công viên Thống Nhất. Người ăn mày khốn khổ đã mở lòng hơn khi tiếp chuyện với PV, mái tóc dài cũng đã được cắt ngắn, gọn gàng.

“Cái bác cắt tóc gần đường tàu Khâm Thiên cắt miễn phí cho em đấy anh. Giờ chỉ có bác đấy với 1 bác nữ nữa và anh dám tiếp xúc với em thôi. Họ sợ lây bệnh của em”, Hùng tâm sự.

Hùng cho biết thêm nhiều người dân sinh sống ở khu vực đường tàu Khâm Thiên cũng đã có cái nhìn tích cực hơn về gã. “Người ta cho nước vào chai rồi mang ra cho em, quần áo họ cho cũng đủ mặc”, Hùng nở nụ cười móm mém.

"Người ăn mày đáng thương" Phạm Thanh Hùng đang chuẩn bị vệ sinh cho vết thương ở chân

Khi không khí cuộc nói chuyện vui vẻ hơn, PV thông tin cho Hùng biết rằng mình đã liên hệ được với anh trai Hùng và hôm nay anh ta sẽ được nói chuyện với người thân sau nhiều năm dài mất liên lạc.

Bất ngờ trước thông tin trên, Hùng dồn dập hỏi: “Anh nói thật chứ! Làm sao mà anh có số của anh ấy?”.

Ngay sau đó, như chợt nghĩ ra điều gì, Hùng lại ngồi lặng lẽ, mặt quay đi phía khác. Theo lời Hùng, cũng chính vì trước đây do có mâu thuẫn với gia đình anh trai mà gã phải bỏ quê hương lưu lạc nơi xứ người để rồi vướng vào cảnh “thân tàn ma dại” như ngày hôm nay. Vì thế, Hùng lắc đầu từ chối việc trò chuyện với người thân.

Biết người thân của Hùng đang rất mong chờ một cuộc nói chuyện sau nhiều năm xa cách, PV bấm số rồi đưa điện thoại cho Hùng. Không còn cách nào khác, anh ta đành cầm máy nói chuyện.

Hùng thường tìm đến căn nhà trong công viên Thống Nhất để nghỉ ngơi

Trong suốt cuộc trò chuyện với anh trai, Hùng đều cúi gằm mặt, đôi bàn tay chai sạn xoa xoa xuống nền xi măng khô cứng, thỉnh thoảng người ăn mày đáng thương lại đưa tay lên, lau thứ gì đó trên mặt.

“Em bảo với anh ấy là em bây giờ thế này, mẹ mà biết được chắc sẽ không sống được mất, mà anh chị cũng thấy xấu hổ với mọi người.

Em giờ cũng chẳng còn gì chỉ mong được gặp mẹ 1 lần. Nếu anh thấy em về làm mẹ và anh chị xấu hổ thì thôi em cứ ở ngoài này, chết thì địa phương ở đây họ lo chôn cất hộ. Còn nếu anh chị không ngại điều tiếng thì em sẽ về”, Hùng thông tin sau cuộc trò chuyện.

Hùng cho biết thêm, bản thân cũng thấy bất ngờ khi người anh trai động viên, an ủi và mong mình sớm quay về để đoàn tụ với gia đình.

“Anh ấy bảo bây giờ điều quan trọng nhất là em trở về nhà, bệnh tình thế nếu ở với mẹ không được thì ở với anh. Chị dâu và cháu sẽ sang ở với bà nội. Về quê rồi vay mượn chữa trị dần dần. Nghe anh ấy nói thế em cũng mừng lắm”, Hùng nghẹn ngào.

“Ngày em ra đi, đứa cháu mới có 4 tuổi, giờ nó đã 18 tuổi rồi, không biết thấy chú thế này, nó có sợ hãi không”

Trước mắt, em cũng chỉ thông tin rằng em bị hoại tử chân và HIV cho anh trai em biết thôi, em cũng đã dặn anh ấy đừng thông tin vội cho mẹ em, để khi em về, từ từ em sẽ nói với mẹ”, Hùng tâm sự.

Xin lỗi những ai từng giúp đỡ mình

Người ăn mày khốn khổ cho biết thông qua bác cắt tóc, Hùng đã biết được thông tin sau khi báo chí đăng bài viết về mình vẫn có nhiều người có những bình luận ác ý, hoài nghi.

“Nhiều người họ chửi em thật, nhưng nghĩ lại lỗi lầm cũng là do mình, trách sao được họ. Đến lúc nhận ra thì đã quá muộn rồi”, Hùng chua chát tâm sự.

Theo như lời Hùng, trước đây vết thương mới loét ra, Hùng đã viết tấm biển với nội dung mình bị tai nạn lao động, không có khả năng chữa trị để đi xin tiền của mọi người. Tuy nhiên tất cả số tiền xin được một ngày đều được nướng vào ma túy.

Người ăn mày đáng thương mong nhận được sự tha thứ của mọi người

“Em không dùng cái đó thì không chịu được. Mỗi ngày nó đau 4 đến 5 lần, trước đây xin được nhiều (1 triệu đến 1,5 triệu ngày - PV) cứ mỗi lần đau em lại mang thuốc ra dùng, cơn đau dịu đi. Tuy nhiên thời gian gần đây số tiền kiếm được 1 ngày cũng chỉ khoảng 400 đến 500 ngàn, người ta nghi ngờ nên cho ít hơn”.

“Với số tiền ấy đủ mua được 2 liều ma túy, 2 cơn đau đầu tiên còn có thuốc để giảm đau chứ những cơn đau tiếp theo em chỉ có thể ngồi xoa bóp chân cả đêm cho bớt đau, khi nào mệt quá mới thiếp đi được còn không hầu như đều phải thức”.

“Em biết việc làm của em là sai, thông qua báo đài, em cũng mong muốn được gửi lời xin lỗi đến tất cả những ai đã giúp em. Bây giờ, em chỉ mong muốn mọi người hãy rủ lòng thương để em được về quê sống bên gia đình trong những ngày tháng còn lại”, Hùng nghẹn ngào.

Trong suốt buổi nói chuyện, cơ mặt người ăn mày lầm lỡ thỉnh thoảng lại giật nhẹ lên, những giọt nước mắt cay đắng thỉnh thoảng lại chảy thành dòng xuống khóe miệng khiến cho tiếng nói càng nghẹn ngào hơn.

Người ăn mày khốn khổ thừa nhận việc sử dụng tiền người đi đường cho để dùng ma túy nhưng lại rất dứt khoát phủ nhận một số thông tin cho rằng mình đi SH, xài Iphone 5.

“Em thừa nhận mình có dùng ma túy nhưng em không bị ai chăn dắt hay đi xe SH, dùng điện thoại xịn như nhiều người vẫn bảo. Thân em giờ nhà còn không có, lang thang ngoài đường, ngoài chợ sao có những thứ như vậy được”, Hùng thanh minh.

Đời người thiết nghĩ ai cũng đã từng trải qua những lần lầm lỡ, những gì mà Hùng đang phải chịu đựng ngày hôm nay chính là sự chừng phạt thích đáng nhất cho những lỗi lầm trước đây của gã.

Đôi khi, sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở ra một tương lai.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus