Khó nhận biết
Như thông tin đã đăng tải ở kỳ trước, bác sĩ Phạm Văn Hùng, chuyên khoa Ngoại, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội sau khi thăm khám kỹ lưỡng đã khẳng định vết thương của Phạm Thanh Hùng, "người ăn xin thảm thương nhất Hà Nội" là thật.
Vết thương trên chân người ăn mày Phạm Thanh Hùng
Việc chẩn đoán này đã dẹp đi những hoài nghi trước đây của nhiều người khi cho rằng, Hùng đã ngụy tạo vết thương để lừa gạt lòng trắc ẩn, hảo tâm của mọi người.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn cho rằng, vết lở loét trên chân Hùng đã xuất hiện từ nhiều năm nay, lý do gì mà đến giờ cẳng chân của gã vẫn còn tồn tại, không bị cắt bỏ. Thậm chí, vết thương không "ăn" rộng ra là mấy so với trước đây.
Hùng đang ngồi chờ khám bệnh
Trao đổi với PV về vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Hùng khẳng định, nếu chỉ nhìn bề ngoài sẽ không thấy vết thương của người ăn xin ấy loang ra, nhưng thực tế bên trong đã có biểu hiện hoại tử. "Người bị thương còn có thể không biết chứ đừng nói người ngoài nhìn bằng mắt thường", bác sĩ Hùng nói thêm.
"Phá" từ bên trong
PV: Theo những thông tin bệnh nhân Phạm Thanh Hùng cung cấp, vết thương của bệnh nhân đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Vậy vì sao qua một thời gian khá dài, vết thương đó vẫn không bị lan ra hoặc gây hoại tử?
Bác sĩ Phạm Văn Hùng - người trực tiếp xem xét vết thương ở chân của Hùng
Bác sĩ Phạm Văn Hùng: Là người trực tiếp tiến hành thăm khám cho bệnh nhân, tôi xin khẳng định lại một lần nữa, vết thương ở chân anh Phạm Thanh Hùng hoàn toàn là thật, không phải được làm giả như mọi người vẫn lầm tưởng.
Với một người có sức khoẻ bình thường, các vết thương sẽ tự động khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân Hùng do nhiễm HIV giai đoạn cuối nên sức đề kháng rất yếu, nếu không muốn nói là không còn.
Bác sĩ Phạm Văn Hùng đang thăm khám vết thương
Hơn nữa, bệnh nhân này liên tục phải di chuyển, những tác động trong khi hoạt động (chẳng hạn như quần cọ vào gây loét vết thương) cộng với việc ăn uống, vệ sinh hàng ngày không đảm bảo nên đương nhiên, vết thương sẽ tiếp tục nặng thêm.
Tuy nhiên, vết thương loét đến mức độ nhất định sẽ tự dừng (không lan thêm ra nữa - PV). Lúc này, phần bị huỷ hoại sẽ là các tế bào trong những nhóm cơ ở chân. Quá trình này diễn ra trong một thời gian khá dài và từ từ nên người bệnh còn khó phát hiện ra chứ đừng nói người ngoài chỉ nhìn vào vết thương bằng mắt thường.
Kết luận của bác sĩ về vết thương ở chân Hùng
PV: Như vậy, diễn biến vết thương của bệnh nhân Hùng đúng như bác sĩ nhận định?
Bác sĩ Phạm Văn Hùng: Qua thực tế thăm khám, bệnh nhân Hùng cho biết trước đây thường bị đau, nhức. Như vậy, vào thời điểm đó phần cẳng chân và bàn chân vẫn còn cảm giác. Tuy nhiên, giờ đây hầu như các bộ phận cơ thể này của bệnh nhân đều không còn cảm giác. Điều này cho thấy qua thời gian, vết thương đang phá huỷ từ bên trong.
Vẫn có thể chữa khỏi
PV: Bác sĩ đã gặp trường hợp nào như bệnh nhân Hùng chưa?
Bác sĩ Phạm Văn Hùng: Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bị những vết thương như của bệnh nhân Hùng. Những bệnh nhân ấy cũng bị nhiễm trùng rồi vết thương loét ra và đến một giai đoạn nào đó thì dừng lại. Khi đó, cũng đã có người lầm tưởng rằng bệnh sắp khỏi, vết thương sắp lành.
Thực tế không phải vậy. Lúc này chính là thời điểm những nhóm cơ bị phá huỷ, nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng mất cảm giác ở chân, lâu ngày sẽ dẫn đến hoại tử chân.
Đơn thuốc
PV: Bác sĩ có nhận xét thế nào về tình trạng của bệnh nhân Hùng?
Bác sĩ Phạm Văn Hùng: Như tôi đã trao đổi trực tiếp ở buổi thăm khám, vết thương của bệnh nhân chỉ mới bắt đầu bị phá hủy từ bên trong. Vì một số điểm ở chân vẫn còn cảm giác nên nếu được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể hoàn toàn khỏi hẳn.
Bệnh nhân này là trường hợp tôi đặc biệt chú ý bởi đây là người lang thang, không có kinh tế nên việc chữa trị sẽ đặc biệt khó khăn. Bệnh nhân cũng không thể tự làm những công đoạn sát trùng cho vết thương nên sẽ rất nan giải.
Tôi nghĩ nếu có cá nhân hoặc tổ chức nào sẵn sàng đứng ra hỗ trợ chi phí điều trị, chân của bệnh nhân hoàn toàn có thể được cứu.
Một vấn đề tôi lo ngại nữa là bệnh nhân luôn mong muốn được về nhà vì cho rằng mình bị HIV giai đoạn cuối không sống được bao lâu nữa. Những người thân ở bên nếu có thể giúp đỡ bệnh nhân giữ được tinh thần thoải mái thì bệnh sẽ càng nhanh khỏi.
Xin cảm ơn bác sĩ về trao đổi này!