Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:13
RSS

Nếu Triều Tiên bắn tên lửa, Guam sẽ chống đỡ bằng tiềm lực quân sự như thế nào?

Thứ sáu, 11/08/2017, 19:25 (GMT+7)

Lãnh thổ nhỏ bé Guam của Mỹ trở thành tâm điểm chú ý sau khi quân đội Triều Tiên đe dọa sẽ dùng tên lửa đạn đạo để tạo ra một lưới lửa vây quanh hòn đảo này.

Trong kế hoạch tấn công hoàn chỉnh trong vài ngày tới, 4 tên lửa Triều Tiên sẽ bay qua Nhật Bản bắn vào khu vực cách Guam 30 - 40 km. Triều Tiên hôm qua tuyên bố "đang kiểm tra kỹ lưỡng kế hoạch hoạt động để tấn công với hoả lực bao trùm những khu vực xung quanh đảo Guam".

"Tên lửa Hwasong-12 được quân đội Triều Tiên phóng sẽ bay qua bầu trời Shimane, Hiroshima và khu vực Koichi của Nhật Bản", Reuters dẫn bản tin phát trên kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên, trích lời tướng Kim Rak Gyom, tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Tên lửa nước này.

Kế hoạch của Bình Nhưỡng phóng 4 tên lửa tầm trung đến xa tấn công Guam sẽ được hoàn tất vào giữa tháng 8 và trình lên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chờ quyết định có tiến hành hay không, bản tin cho biết. "Chúng sẽ bay 3.356,7 km trong 1.065 giây và bắn trúng các khu vực cách Guam 30 đến 40 km".

4 tên lửa Triều Tiên sẽ bắn vào khu vực cách Guam. Ảnh minh họa: KCNA

4 tên lửa Triều Tiên sẽ bắn vào khu vực cách Guam. Ảnh minh họa: KCNA

Guam nằm ở vị trí chiến lược, cách bán đảo Triều Tiên một quãng bay ngắn. Đảo này cũng gần các điểm nóng tiềm tàng ở Đông Á. Đảo cách Seoul 3.200km về phía tây bắc, Tokyo 2.400km về phía bắc và Đài Bắc (Đài Loan) 2.700km về phía tây.

Nhiều người dân địa phương ở Guam tin rằng quân đội Mỹ đủ khả năng bảo vệ đảo Guam trước kẻ thù. Với 1/4 diện tích đảo thuộc sở hữu của quân đội Mỹ, Guam là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng.

Khoảng 10% dân số 160.000 người trên đảo Guam thuộc quân số của quân đội. Hiện nay có hơn 6.000 binh sĩ Mỹ đóng quân trên đảo. Ngoài căn cứ không quân Andersen, căn cứ hải quân trên đảo là bến đỗ của tàu ngầm hạt nhân và nơi đồn trú của lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ.

Năm 2013, chính phủ Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên đảo. Hệ thống này được đặc biệt thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo. "Nếu muốn gây sự với Guam, Triều Tiên sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến không khoan nhượng", cư dân địa phương Andrea Salas tỏ ra tự tin.

Tàu Mỹ ở đảo Guam. Ảnh: AFP

Tàu Mỹ ở đảo Guam. Ảnh: AFP

Có 2 căn cứ quân sự chính trên Guam: Căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam. Cả hai căn cứ đều đặt dưới quyền quản lý của bộ chỉ huy liên hợp JRM.

Căn cứ hải quân có từ năm 1898, khi Mỹ tiếp quản Guam từ tay Tây Ban Nha sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Căn cứ không quân được xây vào năm 1944, khi Mỹ chuẩn bị điều máy bay ném bom sang Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Ngày nay, căn cứ hải quân tại đây sở hữu 4 tàu hạt nhân tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân và hai tàu hỗ trợ tàu ngầm.

Căn cứ không quân Andersen có một phi đoàn trực thăng hải quân và các oanh tạc cơ không quân được luân chuyển đưa sang Guam từ đại lục Mỹ. Căn cứ này có 2 đường băng dài 3km và các kho đạn dược và nhiên liệu lớn.

Tại sao đảo Guam lại trở thành mục tiêu của Triều Tiên. Nguồn: Fox News

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN