Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:45
RSS

Mùi Tết, nhớ mẹ

Chủ nhật, 31/01/2021, 11:45 (GMT+7)

Chỉ trên đường về nhà, ngồi kiệt sức trong xe mới có lúc để cơn mủi lòng trào lên, có khi mắt cay xè vì nhớ mẹ. Cả năm biền biệt không sao, nhưng cứ nghe ngóng thấy "mùi Tết" là chỉ muốn lao về với mẹ, để đưa mẹ đi chợ Tết, để nấu một nồi canh măng thật ngon, làm vài cây giò xào – những món mà bố chỉ tin con gái út nấu

Hôm qua thấy bà cụ nhà dưới soạn hương trầm và vàng mã để sang tuần tiễn ông Công ông Táo, giật mình nhận ra Tết đã sầm sập đến. Công việc vẫn bộn bề để trả nốt những ngày cuối năm, Thóc thường phải ăn tối vắng mẹ những ngày này. Chỉ trên đường về nhà ngồi kiệt sức trong xe mới có lúc để cơn mủi lòng trào lên, có khi mắt cay xè vì nhớ mẹ. Cả năm biền biệt không sao, nhưng cứ nghe ngóng thấy "mùi Tết" là chỉ muốn lao về nhà, để đưa mẹ đi chợ Tết, để nấu một nồi canh măng thật ngon, làm vài cây giò xào – những món mà bố chỉ tin con gái út nấu.

Mình nhớ cảm giác đợi chờ và cuống quýt đến ngày gói bánh chưng. Cả năm, lũ trẻ chỉ có một đêm dài thức canh nồi luộc bánh. Ngoài trời thì sương giá buốt lạnh, chiếc nồi gang cỡ đại bắc trên bếp củi đỏ rực, sôi lục bục suốt đêm trường, ngô khoai được nướng trên than hồng đậm đà cho những câu chuyện kể thủ thỉ trong đêm. Bọn trẻ quấn quanh mình chiếc chăn mỏng, ngồi co ro sưởi lửa, chúng thấy mình đặc biệt quan trọng.

Nửa đêm, những chiếc bánh chưng con bằng bàn tay gói riêng cho lũ trẻ được vớt ra, mùi lá dong quyện mùi gạo nếp ùa ngậy trời đêm. Mùi đẫm nước của chiếc bánh mới vớt ướp đầy nỗi thèm khát chờ mong của lũ trẻ - cái mùi no ấm thiêng liêng ấy, như khởi sự cho thời khắc trọng đại của năm mới. Hẳn vì thế miếng bánh chưng bóc ra đầu tiên, nóng hổi, mới chính là miếng ngon nhất trong cả kỳ Tết.

Từ khi có Thóc, nhà mình luôn dành trọn vẹn 1 ngày cuối năm để đưa con đi chợ hoa Xuân. Chơi Tết sớm nhất chính là ở chợ hoa. Đoán người ta tiêu tết thế nào cũng là ở chợ hoa. Mình nhìn những người phụ nữ tần ngần nhấc lên đặt xuống cây hoa còi cọc thường cảm động, đoán rằng cái chậu hoa bé nhỏ đó sẽ làm bừng sáng một ngôi nhà đơn sơ nào đó. Cái tình của Tết không nằm ở sự đắt đỏ, mà ở chính dành dụm niềm vui và chắt chiu chờ đợi của mọi thành viên trong gia đình.

Chỉ hy vọng Covid sớm được khống chế, để các chợ hoa được mở như mọi cái Tết bình an. Năm nay từ rằm tháng Chạp đến 30 Tết, Sài Gòn họp lại chợ hoa xuân Bến Bình Đông. Thương công sức bao người dựng lại một trong những chợ hoa truyền thống "trên bến dưới thuyền" đặc sắc nhất Việt Nam với sự tham gia của gần 600 nhà vườn lớn từ các miền hoa muôn nơi. Người đi chơi chợ hoa còn được xem hát bội, cải lương, múa rối, kịch nói... đúng như không khí lễ hội của phương Nam xưa, vào những ngày chợ đều có gánh hát, gánh võ đi qua vùng...

Tết chỉ còn trong nỗi nhớ của lứa người ưa hoài niệm, Tết chỉ là đợt nghỉ ngơi dài ngày, Tết chỉ là mốc thời gian để người ta biết "À, đã thêm 1 năm âm lịch của cuộc đời mình"… có thể nhiều người nghĩ thế và muốn giản tiện "trốn thoát" khỏi cái Tết truyền thống nhiều mệt mỏi. Nhưng mình thì nghĩ còn Tết, còn bố mẹ - là biết mình còn NHÀ, còn một nơi chốn nhất định phải trở về.

"Vui như Tết", "thương như Tết" hay "mệt như Tết" – chọn cách nào là tùy mỗi người. Mình đã bỏ bớt nhiều thứ nhiêu khê thời bố mẹ, nhưng mình muốn trân giữ giá trị truyền thống của Tết ở những ấm áp sum vầy, những mong ngóng thiêng liêng, những sửa soạn kỹ lưỡng hướng về tổ tiên và đoàn tụ gia đình. Bởi điều đó như cái rễ lớn nối những đứa trẻ của chúng ta với nguồn cội, với Nhà.

Nguyễn Quỳnh Hương
Theo Giadinh.net