Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:53
RSS

Mất ngủ sau sinh – Nguyên nhân và cách khắc phục

Chủ nhật, 26/02/2023, 12:20 (GMT+7)

“Hồi sinh bé đầu, mình bị mất ngủ liên tục nên người rất mệt mỏi, ăn uống cũng kém, da dẻ xanh xao, mắt thâm quầng còn em bé bú mẹ như không hấp thụ, 1 tháng lên chưa tới 1 kg. Bây giờ nghĩ lại khoảng thời gian đó thật là vất vả".

Đây là những tâm sự mà các chuyên gia tư vấn của chúng tôi nhận được và hết sức trăn trở. Bởi lẽ, ngay cả những người khỏe mạnh bình thường nếu bị mất ngủ kéo dài cơ thể cũng rất suy nhược, những mẹ sau sinh cơ thể còn yếu lại bị mất ngủ thực sự rất đáng lo ngại.

Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ sau sinh là và cách khắc phục như thế nào?

1. Tình trạng mất ngủ sau sinh

Mất ngủ sau sinh không phải tình trạng hiếm gặp ở các mẹ, đặc biệt là các mẹ mới sinh con lần đầu. Nguyên nhân là do các mẹ chưa quen với việc thức giấc giữa đêm để cho em bé bú, thay tã nên khó ngủ lại.

Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé nên cần được lưu ý khắc phục. Nhiều mẹ tâm sự, mặc dù đã mệt lả vì chăm con nhưng không thể ngủ được hoặc ngủ không ngon giấc. Thực tế nhiều trường hợp mất ngủ sau sinh có liên quan trực tiếp đến trầm cảm sau sinh.

mat-ngu-sau-sinh

2. Nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh là gì?

  • Nhiều mẹ bị mất ngủ sau sinh chỉ vì quá lo lắng cho em bé, mẹ sợ rằng nếu ngủ say sẽ không nghe thấy tiếng khóc của em bé hay sẽ vô tình va chạm hoặc làm em bé nghẹt thở. Tâm lý này gây ảnh hưởng đến não bộ làm mẹ bị căng thẳng và gây khó ngủ. 
  • Mẹ không thích nghi kịp với giờ giấc mới khi có em bé, khi buồn ngủ thì phải thức để chăm con đến khi con ngủ thì đã quá giấc không ngủ được.
  • Ảnh hưởng từ thay đổi môi trường sống: Nhiều mẹ đang sống ở thành phố sau đó chuyển về quê để sinh con…
  • Thiếu sự quan tâm chăm sóc từ người thân, em bé quấy khóc, bị ốm hay mẹ phải lo nghĩ các vấn đề trong cuộc sống. Mẹ bầu và mẹ sau sinh đều rất nhạy cảm nên tâm lý dễ bị ảnh hưởng từ các tác nhân bên ngoài dẫn đến lo âu, trầm cảm, mất ngủ.

3. Tác hại của chứng mất ngủ sau sinh

Mất ngủ sau sinh nếu không nhanh chóng được khắc phục sẽ khiến mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, dễ cáu giận điều này làm ảnh hưởng đến hooc-môn kích thích tiết sữa nên có thể gây ít sữa, mất sữa, giảm chất lượng sữa, tác động trực tiếp đến sự phát triển của em bé. 

Một số trường hợp, chứng mất ngủ, ngủ chập chờn sau sinh kéo dài tác động đến tâm lý, làm mẹ thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực, không còn hứng thú chăm sóc bản thân và con, không muốn giao tiếp với người xung quanh, thậm chí gây tổn hại đến em bé.

mat-ngu-sau-sinh-anh-huong-toi-tam-ly

4. Điều trị mất ngủ sau sinh 

Để tình trạng mất ngủ sau sinh không còn tiếp diễn, nên tham khảo thực hiện một số biện pháp như:

  • Mẹ nên chủ động chia sẻ công việc chăm em bé với người thân trong gia đình. Một số người mẹ luôn có tâm lý sợ người khác chăm con sẽ không cẩn thận, chu đáo. Thực tế, các người bà hay cô, dì của em bé đều rất yêu thương bé và có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ nên hoàn toàn có đủ khả năng chia sẻ công việc với mẹ. Ban đêm, mẹ có thể vắt sữa sẵn ra bình để nhờ người thân cho bé bú.
  • Người mẹ nên hạn chế việc sử dụng điện thoại di động khi đã đến giờ đi ngủ, hãy nghe những bản nhạc êm dịu và cùng em bé đi vào giấc ngủ. Nên tranh thủ những giấc ngủ ngắn, buổi trưa nên chợp mắt 15-30 phút nhưng không nên ngủ quá lâu vì sẽ khiến bạn khó thức giấc, người mệt mỏi và ban đêm khó ngủ.
  • Nhiều bà mẹ sau sinh thường tự “kiêng” không ra ngoài, ngại giao tiếp với người xung quanh nên tự tạo tâm lý không thoải mái. Hãy thường xuyên vận động nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành và “tám chuyện” với những người thân, bạn bè để giải tỏa tâm lý.

5. Một số món ăn dành cho mẹ sau sinh giúp mẹ và bé ngủ ngon

5.1. Hoa tam thất

Trong Đông y, hoa tam thất là vị thuốc có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt. Trong thời kỳ cho con bú dùng hoa tam thất sẽ giúp mẹ điều trị mất ngủ tại nhà cho giấc ngủ ngon, sâu giấc.

Trong hoa tam thất còn có hoạt chất giúp tăng cường sự hấp thu các chất dinh dưỡng. Mẹ có thể sử dụng hoa tam thất hằng ngày như một loại trà để cải thiện giấc ngủ.

5.2. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc từ lâu được biết đến với tác dụng kháng khuẩn, giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp tinh thần sảng khoái, làm đẹp da và rất tốt cho sức khỏe. Mẹ có thể sử dụng trà hoa cúc hằng ngày để cải thiện giấc ngủ.

tra-hoa-cuc-giu-me-sau-sinh-ngu-ngon-hon

5.3. Hạt sen

Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe với nhiều chất dinh dưỡng, hạt sen còn là dược liệu có công dụng dưỡng tâm, an thần, chữa bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Trong thời kỳ cho con bú mẹ cần được bổ sung các món ăn từ hạt sen, trà tâm sen để có giấc ngủ ngon cho cả mẹ và bé. Nên sử dụng cả phần tâm sen để phát huy tối đa tác dụng.

5.4. Củ sen

Củ sen vừa có tác dụng dưỡng tâm, an thần, chữa mất ngủ, suy nhược cơ thể và rất an toàn cho mẹ và bé. Mẹ có thể sử dụng củ sen để nấu móng giò, chân chó làm món ăn lợi sữa.

5.5. Ý dĩ

Ý dĩ là thực phẩm lợi sữa, an thần, giảm Cholesterol trong máu, giảm mệt mỏi. Mẹ có thể sử dụng các món ăn như: ý dĩ hầm móng giò, hầm chân chó, cháo ý dĩ hạt sen, đậu xanh ý dĩ giúp lợi sữa, ngủ ngon, em bé ngủ ngon, ít quấy khóc.

Như vậy, có rất nhiều món ăn, vị thuốc giúp cải thiện tình trạng mất ngủ ở mẹ sau sinh, các mẹ có thể tham khảo sử dụng để có giấc ngủ chất lượng hơn, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Mẹ sau sinh cũng rất cần sự quan tâm, chăm sóc từ người thân để có điều kiện phục hồi sức khỏe tốt nhất.

thông tin tư vấn

DS. Nguyễn Huyền
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại