Ngay sau khi teaser đầu tiên hé lộ về dự án phim cổ trang Kiều được tung ra, dân tình đã vô cùng hoang mang và phẫn nộ với hàng loạt chi tiết được cho là sai lệch. Đáng nói nhất chính là tấm biển "Lạc Uyển Lâu" được ghi bằng chữ Quốc ngữ.
Sau đó không lâu, đạo diễn phim Mai Thu Huyền cũng đã chính thức lên tiếng về những lùm xùm trên, thế nhưng lời nói của nữ diễn viên lại một lần nữa khiến khán giả phải lên tiếng. Nhìn chung, Mai Thu Huyền đưa ra lý lẽ "nhảy cóc" ba thời kỳ, cách nhau tầm 200 trăm năm và từ đoạn nhảy cóc này, cô thay thế chữ Quốc ngữ thành thứ đại diện cho sự "thuần Việt".
Cụ thể, cô chia sẻ: "Chữ Quốc ngữ xuất hiện từ 400 năm trước, còn cụ Nguyễn Du chỉ sống cách chúng ta 200 năm. Chúng tôi không muốn dùng chữ Nôm vì chữ Nôm khá giống chữ Hán, không phải ai cũng phân biệt được. Hơn nữa, chúng tôi muốn làm một bộ phim thuần Việt". Chính hai chữ "thuần Việt" này là điều khiến khán giả, đặc biệt là những ai đam mê những bộ phim cổ, vô cùng thất vọng.
Ngay sau khi nữ đạo diễn chia sẻ, trên các trang mạng xã hội dạo gần đây đã liên tục tranh luận về vấn đề này. Nhiều người cho rằng, đạo diễn Mai Thu Huyền đã đưa ra hai lý lẽ vô cùng không hợp lý. Theo đó, chữ Quốc ngữ được phát triển từ những năm 1621, còn đại thi hào Nguyễn Du ra đời năm 1765 và ông viết Truyện Kiều vào khoảng những năm 1814. Nhưng bối cảnh văn học - lịch sử nơi Kiều xuất hiện là vào thời Gia Tĩnh Đế, thời nhà Minh (1521-1567) tức trước thời chữ Quốc ngữ ra đời từ 50 - 100 năm. Vậy ở đây, nếu muốn tái hiện Truyện Kiều, thì các ngôn ngữ trong phim phải là chữ Hán hoặc chữ Nôm. Bởi đơn giản, ở thời của Kiều chưa hề có ai phát minh ra tiếng Việt Latin cả.
Đạo diễn Mai Thu Huyền muốn "nhảy cóc" từ thời điểm chữ Quốc ngữ ra đời, đến thời đại của nhà thơ Nguyễn Du và từ đó nhảy thêm bước nữa vào bối cảnh lịch sử của Kiều. Chưa hết, lý giải của Mai Thu Huyền còn không hợp lý bởi ngay cả bản thân Nguyễn Du cũng không dùng chữ Quốc ngữ để biên soạn Kiều.
Chưa hết, phần lớn dân tình đều đưa ra lý lẽ: Bảng chữ cái Latin "A-B-C" không phải là chữ "Thuần Việt". Nó được phát triển bởi các giáo sĩ người Bồ Đào Nhà nhằm giúp ích cho việc truyền đạo vào những năm đầu thế kỷ 17.
Bảng chữ Nôm - nét chữ đáng ra phải xuất hiện trên biển "Lạc Uyển Lâu"
Tương tự, nếu dựa trên quan điểm mà nữ diễn viên đưa ra thì các nước dùng ký tự Latin như: Anh, Mỹ và phần lớn châu Âu đều khá là "thuần Việt". Đạo diễn Mai Thu Huyền lo rằng chữ Nôm khá giống chữ Hán nhưng cô lại không lo chữ Quốc ngữ khá giống tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha... Bên cạnh đó, chữ Nôm lại là ngôn ngữ được phát triển bởi chính người Việt, tuy là dựa trên chữ Hán và có nét hao hao giống nhưng nó vẫn là thành phẩm được phát triển cha ông chúng ta.
Teaser đầu tiên của Kiều
Tóm lại, chữ Nôm vốn là ngôn ngữ gốc trong Truyện Kiều và đây cũng là thứ tiếng mang tính "thuần Việt" hơn cả bảng chữ cái Latin. Và nếu đạo diễn Mai Thu Huyền muốn phục dựng một tác phẩm thuần Việt, thì có lẽ cô nên cân nhắc về việc sử dụng bảng chữ Nôm vào các cảnh phim của mình.