Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:30
RSS

Mách mẹ thông minh những liệu pháp trị đau họng tại nhà cực đơn giản

Chủ nhật, 05/03/2017, 07:02 (GMT+7)

Khi bị đau họng, bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn và nên uống nhiều nước. Ngoài ra, một số liệu pháp đơn giản tự làm tại nhà cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Nguyên nhân gây đau họng

- Do virut cảm lạnh hay cảm cúm gây nên

- thời tiết khô hanh

- Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá

- Dị ứng

Trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ bị đau họng nhiều hơn người trưởng thành. Tiếp xúc với người bị viêm họng, amidan bất thường hoặc viêm, hệ thống miễn dịch yếu, tất cả đều làm tăng nguy cơ đau họng.

Nguyên nhân đau họng có thể là từ vi khuẩn nhóm Streptococcus gây viêm họng. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ(CDC), khoảng 20-30 trường hợp trên 100 trẻ em đau họng là viêm họng. Ở người lớn viêm họng chiếm 5-15 trường hợp trong tổng số 100 trường hợp đau họng.

Đau họng thường hết sau 3-4 ngày, một vài trường hợp có thể có biến chứng. Một biến chứng nguy hiểm của đau họng là thấp khớp cấp - gây ảnh hưởng tới tim và khớp.

Một số liệu pháp tự làm sau sẽ giúp bạn giảm đau họng tại nhà

Khi bị đau do viêm họng, việc đầu tiên là nghĩ đến những bài thuốc dân gian

Biện pháp chữa đau họng tự nhiên

Khi bị đau họng, các biện pháp sau có thể giúp hồi phục:

- Nghỉ ngơi nhiều

- Chế độ ăn lành mạnh

- Uống nhiều nước

- Súc miệng nước muối ấm

Một biện pháp đơn giản để điều trị đau họng là súc họng bằng nước muối ấm. Cho ½ muỗng cà phê muối vào cốc nước ấm. Không cho quá nhiều muối vì lượng muối nhiều có thể làm khô họng.

Cần chú ý,không nuốt nước muối, chỉ súc họng rồi nhổ ra. Với những người bị đau họng có thể thêm một muỗng cà phê giấm táo vào cốc nước muối ấm vì giấm táo có tính sát khuẩn.

Hiệp hội ung thư Mỹ khuyên nên súc miệng bằng hỗn hợp: 1 thìa cà phê baking soda + 1 thìa cà phê muối + 1 lít nước.

Uống nước ấm pha với thảo dược

Những người đau họng cũng thể uống mật ong hoặc chanh pha với nước ấm để làm giảm đau họng.

Những thành phần khác có thể thêm vào nước ấm để làm dịu họng bao gồm: cây xô thơm (cây ngải đắng), bột nghệ, mao lương hoa vàng. Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ các tác dụng khác của thảo mộc đến cơ thể.

Vì chất lỏng ấm có thể làm long và giảm chất nhầy nên chúng ta có thể ngậm nước ấm hoặc các dung dịch ấm để tăng hiệu quả.

Giảm đau họng với tỏi

Không phải ai cũng muốn làm như vậy, một số người nói rằng chỉ cần nhai một nhánh tỏi cũng giúp giảm đau họng. Điều này có thể là do tỏi có thành phần gọi là allicin- có tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virut.

Mọi người không nên có suy nghĩ sai lầm rằng tỏi nấu chín cũng có tác dụng tương tự và dùng thay thế tỏi sống. Allicin được kích hoạt bằng cách nhai, cắt hoặc nghiền mà không phải bằng nhiệt độ. Do đó tỏi đã nấu chín không có tác dụng chữa bệnh như tỏi sống.

Cần nghiên cứu thêm để có các công bố về tác dụng của tỏi đối với đau họng.

Biện pháp dễ dàng hơn là ngậm kẹo cứng. Giống như viên ngậm hoặc thuốc ho, kẹo cứng làm tăng tiết nước bọt giúp bôi trơn họng. Không dùng kẹo cứng cho trẻ nhỏ vì kẹo cứng là một nguy cơ gây ngạt thở.

Những người bị đau họng nên tránh xa cà phê và đồ uống có cồn vì chúng có thể gây mất nước dẫn tới khô họng.

Biện pháp dùng thuốc không cần bác sĩ kê đơn

Chúng ta có thể dùng thuốc xịt tê để làm giảm đau họng. Những loại thuốc xịt có sẵn tại quầy thuốc như: dyclonine và phenol.

Các loại thuốc giảm đau có sẵn như: acetaminophen, ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm đau. Không dùng aspirin cho trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên.

Các thuốc kháng sinh không thường được kê để điều trị viêm họng. Nghiên cứu chỉ ra rằng: dùng kháng sinh chỉ làm giảm triệu chứng sớm hơn 16 giờ.

Khi nào cần tới bác sĩ

Mặc dù đau họng rất phổ biến và thường khỏi không để lại di chứng gì, tuy nhiên, một vài trường hợp cần phải dùng thuốc.

Những người bị đau họng sẽ cần đến sự giúp đỡ y tế nếu có các dấu hiệu:

- Đau họng kéo dài trên 1 tuần.

- Khó nuốt hoặc khó thở

- Nhiệt độ cao trên 38C

- Phát ban

- Đau khớp

- Có máu trong nước bọt hoặc đờm.

Nếu trẻ em bị đau họng kèm theo sốt cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được kiểm tra.


Theo Sức khỏe đời sống