Thứ tư, 24/04/2024 | 16:45
RSS

Mắc thủy đậu, bé 3 tuổi nhập viện với nhiều biến chứng nặng

Thứ tư, 12/04/2023, 15:40 (GMT+7)

Mắc bệnh thủy đậu, bé 3 tuổi nhập viện với nhiều biến chứng như viêm tấy lan tỏa vùng mặt trái, viêm phế quản, nhiễm khuẩn huyết, sốt cao, sưng phù nề mắt, nổi ban đỏ rải rác toàn thân...


Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đang khám cho 1 trẻ mắc thủy đậu. Ảnh BVCC/Dân Việt.

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, trong hơn một tháng trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận 6 bệnh nhi mắc thủy đậu với các biến chứng. Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhi 39 tháng tuổi nhập viện với nhiều biến chứng

Cụ thể, bệnh nhi là bé N.L.G (39 tháng tuổi) nhập viện bị thủy đậu với nhiều biến chứng như viêm tấy lan tỏa vùng mặt trái, viêm phế quản, nhiễm khuẩn huyết, sốt cao, sưng phù nề mắt, nổi ban đỏ rải rác toàn thân, sưng vùng góc hàm trái… Rất may, bệnh nhi được các y bác sĩ cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực kịp thời nên đã qua khỏi và được xuất viện. 

Thông tin trên báo Dân Việt, Bác sĩ Trần Văn Lương, khoa các Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes zoster gây nên, lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. 

Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong. 

Bệnh dễ lây truyền, tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch, thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học. 

Bệnh thủy đậu thường phát triển mạnh vào mùa đông và đầu xuân, đặc biệt là tháng 3 và tháng 4 trong năm. Đây là khoảng thời gian mà độ ẩm trong không khí khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh.

Thời gian ủ bệnh từ 10 - 21 ngày, thông thường 14-17 ngày. Sau đó, bệnh bắt đầu tiến vào giai đoạn khởi phát với những biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban, xuất hiện nốt thủy đậu mưng mủ, loét, lâu lành, khi lặn đi cũng rất dễ để lại sẹo, khó phục hồi. 

Thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng như nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm màng não, viêm tủy cắt ngang, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Lương cũng lưu ý, phụ nữ mang thai (nhất là trong khoảng 8-20 tuần) mắc thủy đậu có thể dẫn đến sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). 

Ngoài ra, trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Tiêm vaccine thủy đậu là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới chủ động tiêm phòng là biện pháp an toàn và hiệu quả giúp ngừa bệnh thủy đậu, với tỉ lệ 98% người đã tiêm phòng vaccine sẽ tránh được căn bệnh này. Trẻ em trên một tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với virus Herpes zoster cần tiêm vaccine. 

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại