Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:08
RSS

Bị thương do đi dép buộc dây sắt, người đàn ông mắc uốn ván nguy kịch

Thứ tư, 12/04/2023, 06:36 (GMT+7)

Nam bệnh nhân P.Đ.N. (49 tuổi, trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) bị uốn ván mức độ nặng từ vết thương do cọ xát khi đi dép buộc dây sắt. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co cứng cơ cổ, ăn uống khó...


Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh BVCC/VTV News.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công nam bệnh nhân P.Đ.N, 49 tuổi, bị uốn ván mức độ nặng do đi dép có buộc dây sắt.

Qua khai thác bệnh sử được biết, trước nhập viện 2 tuần, vì chủ quan, người bệnh chỉ xử trí vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT). Sau 10 ngày, ông N. người có biểu hiện mệt nhiều, co cứng cơ vùng cổ, sau lan xuống vùng lưng bụng, đau mỏi 2 góc hàm, khó ăn uống, há miệng khó. Lúc này, vết thương trên mu bàn chân phải đã liền.

Người đàn ông được gia đình đưa đến cơ sở y tế ở huyện Hiệp Hòa khám và nhanh chóng chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xử trí cấp cứu và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. 

Ông N. được xử trí vết thương tại chỗ, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván SAT, kháng sinh chống vi khuẩn uốn ván, kiểm soát tình trạng tăng trương lực cơ và cơn co giật bằng thuốc an thần, giãn cơ, chống co giật, kiểm soát hô hấp. 

Qua 6 ngày điều trị, người bệnh có biểu hiện trương lực cơ toàn thân và các cơn co giật gồng cứng toàn thân tăng, suy hô hấp, tăng tiết đờm dãi nhiều, ứ đọng hầu họng, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng rất cao.

Các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới lập tức mở hội chẩn với chuyên khoa Tai Mũi Họng và thống nhất mở khí quản cho người bệnh để kiểm soát chức năng hô hấp. Đồng thời, bệnh nhân tiếp tục điều chỉnh liều lượng thuốc an thần, giãn cơ, chống co giật phù hợp với tình trạng, kết hợp biện pháp điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện khác.

Sau 14 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, tự ngồi dậy tại giường, tự thở qua canuyn khí quản. Liều thuốc an thần giảm tương ứng tình trạng tăng trương lực cơ và cơn gồng cứng xuất hiện thưa dần.

Hiện sau 24 ngày điều trị, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, không còn các cơn co cứng toàn thân, được rút xông dạ dày, tập ăn lại tại đường miệng. Dự kiến vài ngày tới, bệnh nhân được xuất viện.

Qua trường hợp trên, theo thông tin trên VTV News, các bác sỹ đưa ra khuyến cáo, cần tiêm phòng vaccine uốn ván cho những người chưa tiêm. Những người đã tiêm phòng sau 5-10 năm cũng cần tiêm nhắc lại, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.

Khi bị vết thương, không chủ quan nghĩ rằng vết thương không nguy hiểm hoặc sơ cứu sai cách dẫn đến tình trạng nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, thì nên dùng oxy già để rửa và sát khuẩn vết thương và cầm máu. 

Sau đó rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn iode. Với vết thương có dị vật cần cần rửa sạch, lấy dị vật ra, vệ sinh băng bó lại vết thương.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại