Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:39
RSS

Luật sư lên tiếng vụ người đàn ông bị nhốt trong cũi sắt 3 năm ở Thanh Hóa

Thứ sáu, 11/01/2019, 20:26 (GMT+7)

Luật sư cho rằng, nếu có căn cứ xác định, người vợ cùng con trai đã có hành vi nhốt ông Lê Văn Năm trái ý muốn, hạn chế tiếp xúc, gây khó khăn trong sinh hoạt thì dù với bất cứ động cơ mục đích gì (cai nghiện rượu, ma túy,…) đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư nói gì về vụ việc người chồng tố bị vợ con nhốt trong lồng sắt?Vụ việc người chồng tố bị vợ và con nhốt trong cũi sắt nhiều năm đang gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua

Chiều 11/1, trao đổi PV Đời sống Plus, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết hiện cơ quan công an đang điều tra, xác minh sự việc một người đàn ông ở xã Xuân Thiên bị nhốt ở trong lồng sắt nhiều năm qua.

Trước đó, cơ quan công an nhận được đơn thư của ông Lê Văn Nhung (SN 1959, trú tại thôn Tân Thành, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân) về việc em trai của ông là Lê Văn Năm (SN 1967, trú tại cùng địa chỉ) bị vợ là bà Phạm Thị Nghĩa và con trai nhốt trong lồng sắt đặt trong nhà riêng suốt một thời gian dài.

Sau khi nhận được đơn thư, Công an huyện Thọ Xuân đã tiến hành xác minh vụ việc. Đến tối ngày 5/1/2019, cơ quan chức năng phối hợp đưa ông Năm ra khỏi lồng sắt tại nhà riêng và bàn giao cho người thân đưa về nhà chăm sóc.

Thông tin ban đầu được biết, ông Năm ở trong lồng sắt khoảng thời gian từ tháng 10/2015 đến ngày 5/1/2019. Lồng sắt này có chiều dài gần 2 mét, cao 1,2 mét, rộng 0,8 mét.

Bước đầu, tại công an xã Xuân Thiên, người vợ phủ nhận thông tin nhốt chồng mà cho rằng việc ông Năm nằm ở trong lồng sắt trên là do ông tự nguyện để thực hiện cai nghiện ma túy.

Ông Hải cho biết, nguyên nhân vì sao ông Năm ở trong lồng sắt nhiều năm và có phải do người nhà nhốt hay không vẫn đang được cơ quan công an xác minh làm rõ.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ về vụ việc

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết về vụ việc như sau: Đây là vụ việc xảy ra trong quan hệ gia đình khi người chồng là ông Lê Văn Năm (SN 1959) bị vợ là bà Phạm Thị N. và con trai nhốt trong lồng sắt đặt trong nhà riêng suốt một thời gian dài, hạn chế tiếp xúc với xã hội cũng như gây khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày.

Nếu có căn cứ xác định, người vợ cùng con trai đã có hành vi nhốt ông Lê Văn Năm trái ý muốn, hạn chế tiếp xúc, gây khó khăn trong sinh hoạt thì dù với bất cứ động cơ mục đích gì (cai nghiện rượu, ma túy,…) đều là hành vi vi phạm pháp luật

Đây được xem là hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với thành viên trong gia đình. Hành vi giam hãm ông Năm, ngăn cản tiếp xúc với xã hội được thực hiện suốt trong một thời gian dài là biểu hiện của sự hành hạ người khác đã có dấu hiệu phạm Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 185 BLHS 2015.

Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, thì hành vi hành hạ phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Hậu quả nghiêm trọng đối với tội này được hiểu là làm cho người này luôn bị giày vò về mặt tinh thần, sỉ nhục về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị hành hạ gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe từ 10% trở xuống hoặc gây bất bình trong dư luận xã hội.

Theo quan điểm của Luật sư, xét trong vụ việc này thấy, ông Lê Văn Năm chưa bị thiệt hại gì nghiêm trọng về sức khỏe, hàng ngày vẫn được vợ con chăm sóc nên nếu có căn cứ xác định có việc giam giữ nhốt ông Năm trái ý muốn, hạn chế sinh hoạt thì cũng cần thiết phải xử phạt hành chính theo Điều 50 Nghị định 167/2013 và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Điều 50 Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình: 1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Xem thêm:

Chấn động: Một người chồng ở Thanh Hóa bị vợ nhốt trong lồng sắt 3 năm?

T.K
Theo Đời sống Plus/GĐVN