Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:56
RSS

Hành vi bơm tạp chất vào tôm bán kiếm lời bị xử lý như nào?

Thứ sáu, 11/01/2019, 15:04 (GMT+7)

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng bán ra ngoài kiếm lời là hành vi vô đạo đức, chỉ vì ham lợi nhuận mà chủ cơ sở sẵn sàng đầu độc đồng loại.

Hành vi bơm tạp chất vào tôm giúp tăng trọng bán kiếm lời bị xử lý như nàoHai người đàn ông đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng bán ra ngoài kiếm lời

Trước đó, như Đời sống Plus đã đưa tin, tối ngày 9/1, Đội 6, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP. Hải Phòng đã phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tôm do bà Nguyễn Thị Hạnh làm chủ (ở phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng) thuê địa điểm kinh doanh tại số 1835 Ngô Gia Tự, phường Nam Hải (Hải An).

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bà Hạnh cùng 2 người làm thuê là Nguyễn Văn Nên và Trần Văn Thứ (cùng trú tại huyện Lục Yên, Yên Bái) đang có hành vi dùng kim tiêm bơm trực tiếp tạp chất vào 60kg tôm đã chết.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Hạnh khai nhận hàng ngày vẫn đi thu gom tôm chết, tôm ngất trên địa bàn các quận Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh…sau đó mang về bơm tạp chất để tăng trọng lượng sau đó bán ra ngoài để kiếm lời.

Được biết, đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng TP. Hải Phòng phát hiện một cơ sở có hành vi bơm tạp chất vào tôm trên địa bàn thành phố.

Hành vi bơm tạp chất vào tôm giúp tăng trọng bán kiếm lời bị xử lý như nào2Số tang vật của vụ việc được cơ quan chức năng thu giữ

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những chia sẻ về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý.

Theo Luật sư Cường, hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vô đạo đức, chỉ vì ham lợi nhuận mà người ta sẵn sàng đầu độc đồng loại.

Nếu các tạp chất đó gây ra hậu quả chết người thì những người hám lợi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn trong trường hợp những tạp chất đó là chất cấm thì cũng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015.

Cụ thể như sau: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm.

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm.

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm.

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức.

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

e) Phạm tội 02 lần trở lên.

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người.

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên.

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Còn trong trường hợp, những tạp chất này không phải là chất cấm, chưa gây ra hậu quả nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người thì hành vi của những người này cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định 178/2013/NĐ-CP, mức xử phạt sẽ như sau:

Phạt tiền đối với hành vi đưa tạp chất vào thủy sản, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản.

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có tạp chất do được đưa vào.

đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào.

Xem thêm:

Tóm gọn băng nhóm giang hồ 'Bông hồng' khét tiếng ở Sài Gòn

Thuý Mượt
Theo Đời sống Plus/GĐVN