Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:35
RSS

Bơm tạp chất vào tôm, nguy cơ dẫn đến ngộ độc, tiêu chảy và nhiễm trùng máu

Thứ sáu, 08/09/2017, 10:33 (GMT+7)

Mới đây, cơ quan chức năng đã bắt quả tang một nhóm người đang bơm tạp chất vào tôm. Các chuyên gia cảnh bảo, việc làm này sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, "tấn công" sức khỏe người dùng.

 

bơm tạp chất vào tôm

Lực lượng chức năng bắt quả tang công nhân đang bơm tạp chất vào tôm sú.

Chiều ngày 7/9, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu do ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở làm Trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

bom tap chat vao tom

Bơm tiêm và dung dịch để bơm tạp chất vào tôm

Khoảng 13h30 phút cùng ngày, Đoàn kiểm tra đã bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở thu mua tôm do ông Đoàn Văn Phục (SN 1981, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải) làm chủ, bắt quả tang một số công nhân đang bơm tạp chất vào tôm sú nguyên liệu.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hơn 63 ký tôm sú đã được bơm tạp chất CMC, nhiều thau chứa CMC đã pha nước, một số ống bơm, hơn 9 ký bột CMC khô,… cùng một số dụng cụ khác phục vụ cho việc bơm tạp chất vào tôm.

Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ 63 ký tôm có chứa tạp chất và một số tang vật có liên quan để xử lý theo quy định.

Đoàn kiểm tra lập biên bản đối với cơ sở vi phạm để xử lý theo quy định. 

CMC (Carboxymethyl Cellulose) là chế phẩm ở dạng bột trắng - hơi vàng, hầu như không có mùi hạt hút ẩm. Đây là chất có thể tan trong nước nóng và lạnh. Chúng có thể đông khối và có sức kết nối lớn với ẩm độ cao (98%), đồng thời tạo độ nhớt nên rất thích hợp bơm vào tôm tạo “thịt giả”, giúp tăng trọng lượng.

Ngoài ra, để giữ được vẻ bề ngoài cho tôm tươi lâu hơn, nhiều thương lái còn dùng hàn the, diêm tiêu, ure… để ướp tôm.

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng  làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

Thanh Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

Các chiêu thức mạo danh trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Để người dùng tránh “sập bẫy”, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã cảnh báo về một loạt hành vi lừa đảo mạo danh OpenAI và Cục Đăng kiểm nhằm đánh vào lòng tin của người dùng.