Thứ sáu, 19/04/2024 | 10:53
RSS

Liverpool bị chỉ trích dữ dội vì lách luật trước dịch Covid-19

Thứ hai, 06/04/2020, 16:51 (GMT+7)

Giảm 30% lương của cầu thủ và xin trợ cấp chi trả 80% lương của nhân viên nghỉ phép dài hạn bằng tiền hỗ trợ chống dịch từ Chính phủ, khiến lãnh đạo Liverpool bị chỉ trích nặng nề.

Liverpool bị chỉ trích dữ dội vì lách luật trước dịch Covid-19
Liverpool bị chỉ trích dữ dội vì lách luật trước dịch covid-19 Ảnh Dân Trí.

Mùa dịch Covid-19 khiến một loạt liên đoàn bóng đá gặp khó khăn khi thiếu hụt tài chính, ảnh hưởng này không ngoại trừ Liverpool. Để đối phó với vấn đề này, phía lãnh đạo Liverpool đã yêu cầu cắt giảm 30% lương của HLV Jurgen Klopp và các cầu thủ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Liverpool còn tiếp tục cho hàng loạt nhân viên nghỉ phép dài hạn. Tuy nhiên, trong thời gian được nghỉ, CLB đề xuất sẽ chỉ trả 20% lương cho nhân viên. Còn lại 80% lương đến từ các chương trình hỗ trợ của chính phủ Anh. Đề xuất đã lập tức dậy sóng truyền thông nước Anh và nhận nhiều chỉ trích dữ dội từ các CĐV.

Việc để lỡ cơ hội vô địch sớm Premier League sau 30 năm chờ đợi là một sự tiếc nuối với câu lạc bộ bóng đá này. Tuy nhiên, việc bòn rút tiền của nhà nước là hành động đáng xấu hổ.

Jamie Carragher – huyền thoại của “Quỷ đỏ vùng Merseyside” cũng bày tỏ nỗi thất vọng rất lớn về cách làm của đội bóng cũ, trong khi ông cùng với nhiều cầu thủ khác cũng chấp nhận cắt giảm lương của mình, góp một phần sức vì đại dịch.

Tại mùa giải trước, Liverpool đã kiếm được khoản lợi nhuận trước thuế khổng lồ lên tới 42 triệu Bảng. Số tiền đó chắc chắn không nhỏ để chi trả những khoản lương, giúp đội tuyển vượt qua khó khăn của mùa dịch

Cựu tiền đạo Stan Collymore cũng lên tiếng không phục trước hành vi này, ông cho rằng, CLB thuộc sở hữu của tỷ phú người Mỹ, nhưng hành động sử dụng tiền đóng thuế của người Anh là điều rất không nên.

Ngoài ra, thông tin thêm về giải bóng đá Châu Âu, trước đó, Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) đã quyết định hoãn Euro 2020 sang năm 2021, một động thái được cho là giúp các giải vô địch quốc gia ở châu Âu "gỡ rối" khi có thể kéo dài mùa giải sang tháng 6, tháng 7.

Tuy nhiên trên thực tế, các cầu thủ của giải bóng đá thời điểm này phải đối mặt không phải là thời gian hoãn mà là vấn đề dịch bệnh Covid-19. Việc dự đoán chính xác dịch bệnh sẽ chấm dứt khi nào là vấn đề vô cùng khó khăn.

Rất nhiều chuyên gia lo lắng phải mất nhiều thời gian để trả mọi thứ về đúng với quỹ đạo của nó (thậm chí dịch bệnh có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp ở châu Âu).

Hay nói cách khác, quyền tự quyết trong thế giới bóng đá này không nằm trong tay các nhà lãnh đạo bóng đá.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN