Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:10
RSS

Lạnh người hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh nếu chẳng may mẹ lìa đời

Thứ ba, 30/05/2017, 18:52 (GMT+7)

Theo lời của người cao tuổi ở làng Kon Klor (Kon Tum) thì: "Mẹ chết thì đứa trẻ được đưa ra rừng ma với mẹ thôi. Mẹ chết thì đứa trẻ phải chết cùng mẹ".

Cách trung tâm thị xã Kon Tum khoảng 10 km, qua cây cầu Kon Klor thơ mộng bắc ngang dòng Đắk Bla là xã Đắk-Rơ-Wa (thị xã Kon Tum), nơi có nhiều ngôi làng cổ là địa bàn cư trú lâu đời của tộc người Bana và người Xê-đăng.

Tại làng Kon JơDri, khi được hỏi thăm hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh "dọ-tơm-amí", không ít phụ nữ người Bana ở làng rùng mình. Chị Y' Pla (45 tuổi) mẹ của 5 đứa con gật đầu xác nhận tục chôn sống trẻ sơ sinh theo mẹ là chuyện có thật chứ không phải là lời đồn.

Cụ bà Y M'Lang (78 tuổi, ở làng Kon Klor), giọng chắc như đinh đóng cột: "Mẹ chết thì đứa trẻ được đưa ra rừng ma với mẹ thôi. Mẹ chết thì đứa trẻ phải chết cùng mẹ".

Hủ tục "dọ-tơm-amí" có từ bao giờ, hỏi thăm nhiều người già Jrai, Bana, đều chỉ nhận được nụ cười hiền lẫn những cái lắc đầu, câu trả lời "không biết", "không rõ".

Những người trong cuộc chỉ rõ một điều rằng đó là tục lệ được truyền đời. Ông cha quy định, mẹ chết thì đứa trẻ sơ sinh buộc phải "dọ-tơm-amí", mặc cho gia đình không muốn.

Buôn làng nơi diễn ra những hình ảnh khiếp đảm của hủ tục "dọ-tơm-amí". Ảnh: CAND

Vì hủ tục truyền đời lẫn áp lực từ phía dân làng, dòng họ mà đa phần cha của đứa trẻ sẽ không dám đấu tranh để bảo vệ con. Anh ta bỏ mặc đứa trẻ bị "dọ-tơm-amí", mặc người làng chôn sống nó theo mẹ.

Cụ bà Y M'lang bật mí, không chỉ trẻ sơ sinh bị chôn sống theo mẹ nếu mẹ chẳng may qua đời lúc vượt cạn, với tục "dọ-tơm-amí", hễ còn đang bú sữa mẹ mà mẹ chết thì đứa trẻ khó mà thoát khỏi "án tử".

Tùy làng mà đứa trẻ bị kết tội "dọ-tơm-amí" hoặc sẽ bị chôn sống theo mẹ hoặc bị bỏ mặc giữa rừng ma... Khi ấy nếu không chết vì kiệt sức thì đứa trẻ cũng sẽ chết vì bị rắn độc cắn hoặc thú dữ ăn.

Theo quan niệm, đứa bé còn nhỏ mà không có bàn tay mẹ chăm sóc của mẹ sẽ gây ra phiền toái cho cha, anh chị em trong gia đình. Vì vậy, đứa trẻ phải chết theo mẹ càng sớm càng tốt. Lúc ấy, linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát, người sống cũng khỏi bận lòng.

Cụ bà Y M'lang. Ảnh: CAND

Ngoài ra, những cô gái lỡ "ăn phải trái cấm" trước hôn nhân phải tự tay bóp chết đứa con mình vừa sinh ra. Nếu người mẹ không thể giết con thì anh em dòng họ của cô sẽ... giúp.

Người Bana ở đây quan niệm những đứa trẻ không cha sinh ra là điềm gở, mang xui xẻo đến cho chính bản thân người mẹ và người dân trong làng. Hơn nữa, nếu người mẹ cố tình nuôi đứa con không cha này thì sẽ không có người đàn ông nào dám lấy cô làm vợ nữa.

"Trước đây, điều kiện sinh nở còn hạn chế nên có nhiều trường hợp tự sinh ở nhà, người mẹ vì thế khó sinh hoặc bị băng huyết mà chết. Sau đó, con của họ cũng bị người thân buộc chết theo mẹ. Còn người không chồng mà sinh con cũng phải tự đào hố rồi đưa con xuống chôn. Khi cán bộ địa phương phát hiện thì đã quá muộn", ông Phạm Hoàng Long (SN 1950, trú thôn Tung Ke) kể.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus