Thứ ba, 23/04/2024 | 18:15
RSS

Làm gì hạn chế dịch Covid-19 bùng phát sau khi nới lỏng?

Thứ năm, 23/04/2020, 06:50 (GMT+7)

Chính phủ sẽ có nới lỏng với các ngành nghề, quy mô, số lượng, tiếp xúc nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch Covid-19.

Làm gì hạn chế dịch Covid-19 bùng phát sau khi nới lỏng?
Công tác khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa/TPO

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố chiều 22/4. Việc dừng cách ly do Thủ tướng đã xếp Hà Nội vào nhóm "nguy cơ" thay vì "nguy cơ cao" như trước đây. Riêng hai huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn ở nhóm "nguy cơ cao" bởi có ổ dịch chưa qua 14 ngày. 

Vnexpress dẫn lời ông Chung cho biết, các hoạt động kinh tế xã hội của thành phố sẽ thực hiện theo chỉ thị 15 của Thủ tướng ban hành ngày 27/3. Thành phố vẫn cấm quán bar, karaoke, nhà hàng, quán game, trà đá, trà chanh tập trung đông người. Các lễ hội văn hóa, hoạt động thể thao đông người vẫn bị dừng. 

Người dân được đi lại bình thường nhưng chỉ nên ra ngoài khi có việc cần thiết; khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn phòng dịch. Hành vi không đeo khẩu trang khi ra đường sẽ tiếp tục bị xử phạt.

Các hoạt động vận tải như xe bus, taxi, xe công nghệ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thành phố khuyến cáo tỷ lệ chuyên chở nhất định, không ngồi đủ số ghế. Các phương tiện cần chuẩn bị dung dịch rửa tay, sát khuẩn.

Các chủ cửa hàng ăn khi mở lại cần giữ khoảng cách, nên có tấm chắn giữa các khách hàng ngồi ăn. Trung tâm thương mại, siêu thị khi mở cửa đảm bảo các điều kiện phòng dịch, như: hướng dẫn khách đi một chiều vào, một chiều ra và tổ chức đo thân nhiệt, giữ khoảng cách.

Các cơ quan, xí nghiệp, công trường tổ chức đo thân nhiệt, khử khuẩn cho cán bộ, nhân viên. Các công trường được khuyến khích ghi nhật ký để dễ dàng truy xuất lịch sử dịch tễ khi cần.

Bệnh viện được tiếp đón bệnh nhân nhưng phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế; không được tổ chức thăm bệnh nhân, người bệnh nặng chỉ được một người chăm nom.

Riêng việc khi nào hơn 2 triệu học sinh đi học trở lại chưa được Hà Nội quyết định.
Theo ghi nhận, tối 21/4, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy tại Việt Nam vẫn có 268 bệnh nhân sau 6 ngày rưỡi kể từ khi có ca mắc mới cuối cùng (6 giờ ngày 16/4), Tiền Phong đưa tin. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, Chính phủ sẽ có nới lỏng với các ngành nghề, quy mô, số lượng, tiếp xúc nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho dễ thực hiện, dễ kiểm tra, thậm chí xây dựng thành bảng điểm, chấm điểm, nếu không đạt thì xử phạt hoặc yêu cầu đóng cửa trở lại. Người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Cụ thể: đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế.

“Chúng ta không thể chủ quan bởi đã có bài học từ Singapore đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư. Đây là bài học cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên. Phải hết sức chú ý để làm sao phát hiện được kịp thờica bệnh ở những nơi nguy cơ cao, từ đó khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế ổ dịch, không để lây lan", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN