Thứ sáu, 07/02/2025 | 16:00
RSS

Người bị cúm mùa khi nào cần đi bệnh viện thăm khám?

Thứ sáu, 07/02/2025, 16:00 (GMT+7)

Cúm mùa là bệnh thường gặp, hầu hết tự khỏi nhưng cũng có thể gây tử vong, nhiều người thắc mắc : "Khi nào bị cúm cần đi khám?".

Chia sẻ về bệnh cúm mùa vừa khiến diễn viên Từ Hy Viên (Trung Quốc) tử vong, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm mùa nhiều người đã mắc. Đa số, người mắc cúm mùa đều có diễn biến nhẹ như sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người và tự khỏi sau vài ngày mắc.

Những bệnh nhân cúm mùa nào dễ bị biến chứng nặng? 

"Tuy nhiên, với bất cứ bệnh lý nào đều có 1 tỷ lệ diễn biến bất thường và bệnh cúm mùa cũng vậy, có 1 tỷ lệ nhỏ người mắc sẽ có biến chứng nặng. Những diễn biến nặng ở cúm mùa như viêm phổi, tổn thương các cơ quan phủ tạng khác và 1 tỷ lệ rất nhỏ dẫn đến tử vong", bác sĩ Cấp cho biết. 

Theo bác sĩ Cấp, ở Việt Nam có 3 chủng cúm mùa bao gồm: cúm A, cúm B và cúm C, trong đó cúm A thường gây ra dịch, cúm B thi thoảng có dịch và cúm C không bao giờ gây dịch.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện cũng đang điều trị cho 8 bệnh nhân bị cúm biến chứng nặng, trong đó 1 bệnh nhân phải chạy ECMO. Những bệnh nhân này đều có nhiều bệnh lý nền khác kèm theo cúm như huyết áp cao, bội nhiễm gây sốc nhiễm trùng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... 

Người bị cúm, nếu nhận thấy cơ thể có diễn biến bất thường như khó thở, sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt mà không giảm nhiệt độ, mệt lả.. cũng cần đi viện thăm khám. Ảnh minh họa AI

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm: "Những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đang tạng và thậm chí tử vong.

Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.

Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng".

Về thắc mắc của người dân: "Khi nào mắc cúm mùa cần đi viện khám?", bác si Cấp cho biết, với những người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, người có bệnh phổi bệnh tim mãn tính thì nên đi viện khi bị cúm.

Còn người bình thường nếu bị cúm thì sẽ tự khỏi sau 3-7 ngày. Tuy nhiên, người bị cúm, nếu nhận thấy cơ thể có diễn biến bất thường như khó thở, sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt mà không giảm nhiệt độ, mệt lả.. cũng cần đi viện thăm khám xem cúm có diễn biến nặng hơn không hay có kèm theo các bệnh khác không... 

Nên đi tiêm vaccine phòng cúm mùa khi nào? 

Về việc tiêm phòng vaccine cúm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết: "VIệc tiêm vaccine cúm là tạo ra miễn dịch để chống lại virus cúm. Virus cúm thay đổi kháng nguyên nhanh chóng, chúng ta tiêm năm nay thì sang năm virus cúm biến đổi thì vaccine không còn tác dụng nữa, do đó, chúng ta cần tiêm định kỳ vaccine phòng cúm hàng năm.

Thời điểm tiêm phòng cúm tốt nhất là vào khoảng tháng 9, tháng 10, tuy nhiên cũng không nhất định phải tiêm vào thời điểm này. Đối với những người có bệnh lý nền, có hệ miễn dịch yếu, theo khuyến cáo của nhân viên y tế có thể tiêm dày hơn". 

Ngoài ra, bác sĩ Cấp cũng khuyến cáo, bệnh cúm là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do đó, người bị cúm nên hạn chế tiếp xúc với người khác, nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. 

Người tiếp xúc gần với người bị cúm nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và vệ sinh bề mặt xung quanh… '

Đặc biệt, gia đình có trẻ nhỏ, người già, người mang thai, người có bệnh lý nền cần phải bảo vệ các đối tượng này. 

Diệu Linh
Theo Dân Việt