Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:41
RSS

Lá chắn tên lửa nghìn tỷ của Mỹ vẫn là "muỗi" so với tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên?

Thứ bảy, 08/07/2017, 10:19 (GMT+7)

Tỷ lệ thành công của hệ thống đánh chặn trên đất liền GMD chỉ là 55% gây ra sự hoài nghi việc Mỹ có chặn được tên lửa Triều Tiên trong trường hợp bị tấn công hay không.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, công nghệ tên lửa Triều Tiên đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bị choáng ngợp, trừ khi họ theo kịp mối đe dọa này. Riki Ellison, người đồng sáng lập Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa nói: “Trong những năm tới, Mỹ phải tăng cường hơn nữa năng lực hiện tại của các hệ thống, đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai”.

Hồ sơ thử nghiệm của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho thấy kết quả chưa thực sự khả quan. Các thành phần trong lá chắn mà MDA xây dựng gồm nhiều lớp, sử dụng bộ cảm biến trong không gian, trên biển và trên đất liền tạo thành chiếc ô bảo vệ cho nước Mỹ và các vùng lãnh thổ khác.

Trong đó, hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) có tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm chỉ 55%. Hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Aegis BMD triển khai trên các tàu chiến và Aegis lên bờ có tỷ lệ thành công khoảng 83%.

Tên lửa đánh chặn Mỹ của hệ thống GMD. Ảnh: Boeing

Tên lửa đánh chặn Mỹ của hệ thống GMD. Ảnh: Boeing

Cuối cùng, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có tỷ lệ thành công cao nhất tới 100%, trong 13 lần thử nghiệm từ năm 2006. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, chính phủ đã chi hơn 200 tỷ USD cho việc phát triển, thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia tin rằng, kết quả từ các cuộc thử nghiệm không chứng minh được Mỹ có thể ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Laura Grego, nhà vật lý thuộc Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ nói với Business Insider: “Nó chưa thể chứng minh khả năng hoạt động trong môi trường chiến đấu thực tế, vì điều kiện thử nghiệm thuận lợi hơn nhiều”.

Chính giám đốc MDA từng thừa nhận lá chắn tên lửa chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là với hệ thống GMD. Michael Elleman, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, cho biết mặc dù Triều Tiên đã đạt bước tiến trong việc chế tạo ICBM đáng tin cậy, không có gì đảm bảo Mỹ có thể tự bảo vệ mình.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ. Ảnh: Reuters

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến có liên quan, Reuters ngày 7/7 dẫn nguồn tin từ hai quan chức quân sự cấp cao cho biết, Mỹ đang có kế hoạch thử nghiệm Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của nước này để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung trong vài ngày tới. Động thái trên được đưa ra không lâu sau khi Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Mặc dù đã được lên kế hoạch thực hiện từ vài tháng trước đây nhưng theo Reuters, rõ ràng cuộc thử nghiệm lần này không ít thì nhiều có liên quan đến vụ phóng ICBM ngày 4/7 của Triều Tiên.

Cuộc thử nghiệm sắp tới sẽ là lần đầu tiên Hệ thống THAAD của Mỹ làm nhiệm vụ đánh chặn một cuộc tấn công giả định sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Tên lửa đánh chặn của THAAD sẽ được phóng đi từ khu vực Alaska.

Được biết, Mỹ có triển khai THAAD ở Guam nhằm giúp bảo vệ nước này chống lại các cuộc tấn công tên lửa đến từ Triều Tiên. Các quan chức giấu tên tiết lộ thông tin trên không cho biết bản chất thực sự cũng như thời gian chính xác thực hiện cuộc thử nghiệm sắp tới.

Triều Tiên công bố video mô phỏng tấn công tên lửa Mỹ 

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN