Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:19
RSS

Ký ức của người mẹ trẻ 53 ngày chạy ECMO vì nhiễm Covid-19

Chủ nhật, 28/11/2021, 15:18 (GMT+7)

Được 2 bệnh viện phối hợp cứu sống, người mẹ trẻ 28 tuổi đã trải qua 91 ngày điều trị Covid-19, trong đó có 53 ngày chạy ECMO liên tục.


Các bác sĩ khẩn trương đặt ECMO di động cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Chị N.T.T.H (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) là bệnh nhân covid-19 đặc biệt, được 2 bệnh viện cùng phối hợp can thiệp cứu sống trong gang tấc. Sau 8 ngày được sinh mổ và điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Trưng Vương, chị H. rơi vào suy hô hấp nguy kịch. Tại đây, bệnh nhân được thở máy tối ưu nhưng ngày càng nguy kịch, rối loạn toan kiềm rất nặng, CO2 máu tăng rất cao, ô xy máu giảm thấp, suy đa cơ quan, phải sử dụng thuốc vận mạch.

Thượng tá Vũ Đình Ân, Phó Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, khi hội chẩn 2 bệnh viện, yêu cầu đặt ra là phải chạy ECMO ngay. 

Tham vấn ý kiến chuyên gia hồi sức – Tiến sĩ Phan Thị Xuân, Hội cấp cứu hồi sức TP.HCM các bác sĩ quyết định thực hiện ECMO di động (ECMO Mobile).

Ngay trong đêm 27/8, ê kip đã có mặt tại Bệnh viện Trưng Vương (khi đó là Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương), nhanh chóng thiết lập hệ thống ECMO cho sản phụ. Sau đó, bệnh nhân được vận chuyển về Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thượng tá Vũ Đình Ân cho biết, chỉ sau gần 2 tiếng, mọi chỉ số bắt đầu ổn định, thuốc vận mạch giảm dần. Bệnh nhân trải qua 91 ngày điều trị và 53 ngày ECMO liên tục. 

"Đây cũng là trường hợp điều trị dài ngày nhất trong số 2.700 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện", Thượng tá Ân chia sẻ.

Ngày 27/11, chị H đã hoàn toàn hồi phục và trở về bên gia đình. Trong ký ức người phụ nữ trẻ, chỉ toàn những ám ảnh. "Những lúc mơ mơ tỉnh tỉnh, tôi thấy mình "đi" rồi, mất con rồi, không gặp được chồng nữa. Đó là thời gian rất khủng khiếp. Có nhiều ngày tôi nằm trong phòng bệnh, nhìn ra cửa sổ, nhìn lá rơi. Tôi tự hỏi có khi nào mình lìa khỏi cuộc đời như vậy không. Buồn lắm! Những ngày thuốc dày vò, nằm nhớ nhà, nhớ lại ký ức, xa người thân, mất người thân…", chị H xúc động.

Anh Huỳnh Tấn Tân, chồng chị H cho hay: "Ngay từ bên Bệnh viện Trưng Vương, tôi đã biết nguy cơ rất cao. Gia đình cuống cuồng. Đặt ECMO, mình hiểu là bước cuối cùng rồi. Nhưng chưa có lúc nào gia đình buông bỏ, còn một tia hy vọng cũng phải chờ đợi.

H đã bình phục, gia đình tôi nghĩ như từ cõi chết trở về. Tôi chỉ biết cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã cứu vợ tôi qua cơn tử nạn. Hôm nay cũng là ngày đoàn tụ của gia đình tôi".

Được biết, bé trai đầu lòng của anh chị sinh non lúc 28 tuần tuổi, nặng 1 kg, phải nằm chăm sóc đặt biệt hơn một tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Đến nay, bé đã 5 kg, kháu khỉnh, ăn ngủ giỏi.


Chị H hạnh phúc trong ngày ra viện. Ảnh: BVCC

Thượng tá Vũ Đình Ân, Phó giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ECMO mobile là vũ khí hạng nặng cuối cùng, trong tình huống khó khăn nhất để cứu sống người bệnh trong gang tấc.

Đây là hình thức đặt ECMO khi người bệnh nguy kịch nhưng không thể vận chuyển về các cơ sở chuyên sâu để thực hiện. Khi đó, bác sĩ phải đến tận nơi thiết lập, đồng thời vận chuyển người bệnh về Trung tâm theo dõi. Đến nay, Trung tâm đã đặt 3 ca ECMO mobile thành công.

Thượng tá Ân nhận định, nếu dịch bệnh lan rộng ở các tỉnh thành, kỹ thuật này có thể áp dụng khi cần thiết. Bên cạnh đó, Bệnh viện Quân y 175 có trực thăng cấp cứu, trong tình huống khẩn cấp, ê kip ECMO có thể sẵn sàng lên máy bay làm nhiệm vụ.

Bạch Dương
Theo Dân Việt