Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:09
RSS

Không phong tỏa, không xét nghiệm nhiều, vì sao Nhật Bản sắp dẹp được Covid-19?

Chủ nhật, 24/05/2020, 07:24 (GMT+7)

Tình trạng khẩn cấp do virus ở Nhật Bản sắp kết thúc khi các trường hợp nhiễm Covid-19 giảm dần chỉ còn vài chục ca nhiễm mới mỗi ngày. Đáng chú ý, Nhật Bản không áp dụng biện pháp phong tỏa hay cách ly xã hội.

Ngoài các khuyến cáo, Nhật Bản không áp dụng bất kỳ quy định hạn chế tiếp xúc xã hội nào đối với người dân. Các doanh nghiệp, quán bar, tiệm cắt tóc, nhà hàng tại Nhật Bản vẫn hoạt động bình thường.

Khác với nhiều quốc gia, Nhật Bản không có Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Trong khi một số quốc gia áp dụng biện pháp xét nghiệm diện rộng, chỉ có khoảng 0,2% Nhật Bản được làm xét nghiệm virus – một trong những tỷ lệ thấp nhất ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, đường cong lây nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã được san phẳng. Số người tử vong vì virus tại Nhật Bản thấp hơn mốc 1.000 (thấp nhất trong 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới).

Nhật Bản đã ban hành tình trạng khẩn cấp trong vài tuần và sau đó, số ca nhiễm mới tại đất nước mặt trời mọc liên tục giảm. Tại Tokyo – nơi từng là tâm dịch Covid-19 của Nhật Bản – số ca nhiễm đang duy trì ở mức một con số.

Giới chuyên gia y tế vẫn chưa nắm được yếu tố tiên quyết nào giúp Nhật Bản có thể kiểm soát Covid-19 mà không cần thực hiện các biện pháp mạnh tay.

Không phong tỏa, không xét nghiệm nhiều, vì sao Nhật Bản sắp dẹp được Covid-19?
Đường phố Nhật Bản trong dịch Covid-19 (ảnh: Bloomberg)

Một số người dân tại Nhật Bản cho rằng, thói quen đeo khẩu trang, tỷ lệ người mắc béo phì thấp là một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp nước này kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Thậm chí có người còn cho rằng, cách phát âm của tiếng Nhật có thể tạo ra ít các giọt bắn chứa mầm bệnh hơn.

Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia y tế cho hay, Nhật Bản đã phản ứng sớm với mối nguy dịch bệnh khi số ca nhiễm virus bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Đây là yếu tố quan trọng giúp Nhật Bản kiểm soát thành công dịch Covid-19.

Các chuyên gia y tế cho rằng, phản ứng nhanh với dịch bệnh là một trong những lợi thế của Nhật Bản trong cuộc chiến với Covid-19. Từ năm 2018, các trung tâm y tế tại Nhật Bản đã tuyển dụng hơn 25.000 nhân viên y tế có kinh nghiệm trong việc truy vết tiếp xúc. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, những người này có nhiệm vụ theo dõi tiếp xúc những ca bệnh hô hấp có nguy cơ lây lan cao như cúm hoặc lao.

Trong khi một số nước như Mỹ, Anh chỉ bắt đầu thuê và đào tạo các nhân viên y tế làm nhiệm vụ truy vết tiếp xúc khi muốn mở cửa lại kinh tế trong dịch Covid-19, Nhật Bản đã thực hiện điều này từ khi mới phát hiện ra những ca nhiễm virus đầu tiên trong cộng đồng.

Không phong tỏa, không xét nghiệm nhiều, vì sao Nhật Bản sắp dẹp được Covid-19? 2
Tháp Tsutenkaku ở Osaka (Nhật Bản) đổi màu xanh lá, báo hiệu đã có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do virus (ảnh: Bloomberg)

Những nhân viên y tế của Nhật Bản có nhiệm vụ theo dõi sự lây lan tại những ổ dịch Covid-19 để ngăn chặn các ca nhiễm mới trước khi tình hình trở nên mất kiểm soát.

“Nhiều người cho rằng chúng tôi sẽ gặp bất lợi khi không có Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh quốc gia (CDC). Tuy nhiên, mỗi trung tâm y tế công cộng của Nhật Bản đều là một CDC cấp cơ sở”, Yoko Tsukamoto – giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido – nhận xét.

Theo ông Shigeru Omi – cố vấn y tế cho chính phủ Nhật Bản – ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng của người dân Nhật bản là thành tố quan trọng nhất giúp kiểm soát dịch bệnh.

Nhật Bản từng thu hút sự chú ý và hứng nhiều chỉ trích từ dư luận trong việc kiểm soát ổ dịch trên tàu Diamond Princess hồi tháng 2. Đây cũng là cơ hội để Nhật Bản tích lũy thêm sự hiểu biết và kinh nghiệm phòng chống Covid-19 trong thời gian sau này.

“Một số quốc gia coi xử lý dịch bệnh là vấn đề riêng của từng nước. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, sự giám sát quốc tế về những ca nhiễm Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess đã nâng cao nhận thức của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng, điều tương tự có thể xảy ra trên quy mô cả nước”, Mikihito Tanaka, giáo sư tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận định.

“Trong khi giới chức bị chỉ trích, các chuyên gia tại Nhật Bản đã đi đầu trong phản ứng với dịch bệnh. Bạn có thể nói rằng, ở Nhật Bản, chuyên gia y tế mới là nhân tố lãnh đạo cuộc chiến với Covid-19”, ông Tanaka nói thêm.

Tuy nhiên, phản ứng với dịch bệnh của Nhật Bản vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Đến ngày 23.5, Nhật Bản ghi nhận 16.513 ca nhiễm Covid-19 với 796 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Đài Loan chỉ ghi nhận 7 trường hợp tử vong do dịch bệnh và Việt Nam thì không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào.

“Bạn không thể nói rằng cách xử lý dịch bệnh của Nhật Bản là hoàn hảo. Nếu nhìn vào một số quốc gia, khu vực khác tại châu Á, tỷ lệ tử vong do virus ở đó còn thấp hơn nhiều so với Nhật bản”, Norio Sugaya – giáo sư tại Đại học Norio Sugaya – nhận xét.

Không phong tỏa, không xét nghiệm nhiều, vì sao Nhật Bản sắp dẹp được Covid-19? 3
Tượng tại Nhật Bản được đeo khẩu trang trong dịch Covid-19 (ảnh: Reuters).

Mặc dù tránh được hậu quả tồi tệ về sức khỏe đối với người dân nhưng dịch bệnh cũng đã tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng đầu năm của Nhật Bản đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số chuyên gia cho rằng, 3 tháng tiếp theo sẽ đánh dấu mức sụt giảm kinh tế kỷ lục của Nhật Bản. Số lượng khách du lịch tới Nhật Bản đã giảm 99,4% trong tháng 4 năm nay. Giống như nhiều nước khác, số lượng các doanh nghiệp rơi vào phá sản tại Nhật Bản cũng tăng mạnh.

Nhật Bản cũng phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lần 2 và rủi ro tại đất nước có dân số già nhất thế giới vẫn còn cao. Nhật Bản đã nhanh chóng phê duyệt Remdesivir của Mỹ là thuốc đặc trị cho các bệnh nhân Covid-19.

“Chúng tôi cần giả định rằng, làn sóng lây nhiễm lần 2 còn có thể tồi tệ hơn lần thứ nhất và phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho điều đó. Nếu sự bùng phát tiếp theo còn tồi tệ hơn, hệ thống y tế của Nhật Bản có thể rơi vào quá tải”, Yoshihito Niki, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Showa, nhận định.

Vương Nam - Bloomberg
Theo Dân Việt