Theo đó, Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Mục tiêu nhằm để giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu, giáo viên xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học phù hợp. Nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động hỗ trợ hoạt động học thì phải thiết kế sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại và hướng dẫn những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại.
Đồng thời, giáo viên cũng là người thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.
Về quy định học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ học tập, trước đó, ngày 18/9, Bộ GD&ĐT công bố thông tư 32/2020- TT BGDĐT, thay thế cho thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành năm 2011. So với thông tư cũ, thông tư mới bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
Ảnh minh họa
Ngoài hướng dẫn không bắt buộc tất cả học sinh có điện thoại, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề cập việc kiểm tra, đánh giá trong xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên sẽ thông qua các hình thức hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập. Khi đánh giá bằng điểm số, giáo viên phải thông báo trước cho học sinh về các tiêu chí và định hướng cho các em tự học. Thầy cô cũng nên chú trọng đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hiệu trưởng các trường căn cứ kế hoạch thời gian năm học của từng địa phương để xây dựng, ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, tự chọn, môn học lựa chọn hay chuyên đề học tập lựa chọn nhằm đảm bảo tổng số tiết trong một năm học theo quy định.
Cùng với đó, các nhà trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh. Đồng thời, các nhà trường không nhất thiết bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả Sở GDĐT chỉ đạo các Phòng, các trường THPT triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.