Theo đó, năm 2021, trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức. Mỗi phương thức xét tuyển đều có điều kiện đăng ký riêng và chỉ tiêu phân bổ hợp lý.
Cụ thể, phương thức 1: Xét tuyển thẳng để xét tuyển tài năng, gồm thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chứng chỉ SAT, ACT, A-Level theo quy định; học sinh hệ chuyên của trường chuyên; học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trở lên ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả của kỳ thi riêng do trường tổ chức. Dự kiến, ngoài đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn Toán có phần tự luận như năm 2020, sẽ thêm tổ hợp môn khoa học tự nhiên để thí sinh có sự lựa chọn.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Thông tin trên Dân Trí, một lãnh đạo nhà trường cho biết: "Mỗi phương thức xét tuyển đều có điều kiện đăng ký riêng và chỉ tiêu phân bổ hợp lý. Khác với năm 2020, kết quả của kỳ thi riêng này sẽ được dùng để xét tuyển độc lập với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ảnh minh họa
Năm 2020, điểm của kỳ thi kiểm tra tư duy được quy định là 1 đầu điểm trong tổ hợp xét tuyển Toán, Lý, bài kiểm tra tư duy hoặc Toán, Hóa, bài kiểm tra tư duy. Năm 2021, trường dự kiến, với một số ngành yêu cầu đầu vào chất lượng cao, thí sinh có thể tham gia 2 bài kiểm tra tư duy như trên để xét tuyển.
Theo đó, năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn thuộc hàng cao nhất trong các trường đại học kỹ thuật trên cả nước. 80% thí sinh trúng tuyển vào trường đạt tổng điểm 3 môn theo khối A00 nằm trong nhóm 12% thí sinh có điểm cao nhất của cả nước, khối A01 trong nhóm 6%, khối B00 trong nhóm 5%. Đặc biệt, gần 60% số thí sinh đạt 29 điểm trở lên của khối A00 trên cả nước đã lựa chọn Bách khoa Hà Nội, bao gồm hai thủ khoa toàn quốc và nhiều thủ khoa tỉnh.
Trong khi đó, tại Hội nghị giáo dục đại học mà Bộ GD&ÐT tổ chức trực tuyến mới đây, đa số lãnh đạo các trường đại học khẳng định, năm 2021 vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh, và đề xuất đề thi nên có tính phân loại cao hơn.
Theo Tiền Phong, báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH - Bộ GD&ĐT, cho biết, đến thời điểm này, tuyển sinh của các trường đại học trên cả nước đã đạt được gần 90%, cao hơn các năm học trước.
Tuy nhiên, nhóm ngành đào tạo sư phạm mới đạt 50% chỉ tiêu. Năm 2020, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh; áp dụng CNTT triệt để trong tất cả các khâu; đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Kết quả thi THPT được hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng để tuyển sinh. Dù vậy, các trường cũng cần xem xét việc cân đối chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển, bà nói.