Sau khi chứng kiến những thành công của nhiều loại vũ khí Nga trên chiến trường Syria, sự hợp tác giữa hai nước Nga và Iran đã phát triển theo cả hướng khác, mở rộng sang đào tạo huấn luyện quân nhân Iran và các chuyên gia kỹ thuật cho những loại vũ khí công nghệ cao.
Hiện nay, kho trang bị vũ khí của quân đội Iran đã cũ, Tehran đứng trước nhu cầu cấp bách là hiện đại hóa các hệ thống phòng không, xe tăng-thiết giáp, máy bay chiến đấu, các thiết bị trinh sát, tác chiến điện tử, phòng không hải quân bằng các vũ khí của Nga.
Tên lửa S-300 của Nga. Ảnh: Internet
Rất có khả năng tại các cuộc gặp trong tháng 3 này, Iran sẽ đề cập đến chi tiết tới những hợp đồng bán máy bay quân sự, máy bay chiến đấu và vũ khí hạng nhẹ của Nga, như máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM hoặc một số hệ thống phòng không tầm ngắn.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành nghị quyết số 1929 về trừng phạt Iran trong lĩnh vực hạt nhân, cấm các nước bán cho Iran các loại vũ khí mang tính chất tấn công như các chiến đấu cơ, xe tăng và các loại xe quân sự bọc thép, pháo cỡ nòng lớn, trực thăng tấn công và tên lửa, cùng các hệ thống phóng tên lửa.
Do đó, Nga và Iran chỉ được phép hợp tác trên một loạt lĩnh vực vũ khí trang bị hiện đại khác, đó là các hệ thống tên lửa phòng không, tổ hợp tác chiến điện tử, vũ khí hạng nhẹ, máy bay huấn luyện-chiến đấu và trực thăng vận tải.
Các chuyên gia nhận định rằng, những vũ khí, thiết bị quân sự này đã là quá đủ cho Iran. Ngoài ra, rất có thể Nga sẽ tìm cách lách luật để bán những vũ khí bị cấm cho Iran bằng cách bí mật cung cấp công nghệ, để Tehran xây dựng các dây chuyền và nhà máy sản xuất, sau đó điều các chuyên gia công nghệ vũ khí sang hỗ trợ.
Iran rất hài lòng về hệ thống tên lửa phòng không Nga S-300. Ảnh: Internet
Trước đó, cuối năm 2016, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Viktor Ozerov cho biết nước này và Iran đang đàm phán về thương vụ vũ khí trị giá gần 10 tỷ USD.
Ông Ozerov nhấn mạnh, theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Nga có thể cung cấp các đơn vị thiết giáp, các hệ thống pháo, máy bay và chiến đấu cơ cho Iran trước tháng 10/2020 tới. Theo ông, đơn đặt hàng của Iran lên đến gần 10 tỷ USD. Việc cung cấp các đơn vị kỹ thuật quân sự của Nga cho Iran sẽ không diễn ra chỉ trong một năm.
Sau khi Iran và các cường quốc thế giới đạt thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Tehran, theo đó Iran được phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, Nga đã quyết định nối lại cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran theo hợp đồng trị giá khoảng 900 triệu USD ký năm 2007. Công tác chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga cho Iran sẽ hoàn tất.