Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:01
RSS

Hủ tục đốt cô dâu nếu thiếu tiền hồi môn khiến mọi phụ nữ Ấn Độ kinh sợ

Thứ hai, 19/06/2017, 15:40 (GMT+7)

Hằng ngày, phụ nữ Ấn Độ luôn nơm nớp sống trong sợ hãi rằng một ngày nào đó mình sẽ bị thiêu. Đó chính là hủ tục “đốt cô dâu” vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay ở Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Của hồi môn, hay “Dahej”, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống thường ngày ở Ấn Độ. Nói đơn giản đó là khoản tài sản, hàng hóa có giá trị mà mỗi cô dâu cần mang theo khi đến sống ở nhà chú rể sau khi kết hôn.

Người Ấn Độ quy định phụ nữ không có quyền thừa kế, nên của hồi môn chính là khoản tài sản mà cha mẹ dành cho con gái khi về sống ở nhà chồng. Nó cũng thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ đối với con cái, nhưng dần dần đã bị lòng tham trong xã hội làm biến chất và trở thành một gánh nặng đối với con người cũng như hạ thấp giá trị người phụ nữ trong xã hội Ấn Độ.

Đốt cô dâu vì không trả nổi tiền hồi môn cho nhà trai. Ảnh: Internet

Đốt cô dâu vì không trả nổi tiền hồi môn cho nhà trai. Ảnh: Internet

Không những vậy, đôi khi của hồi môn lại trở thành tai họa đổ lên đầu những cô gái gia cảnh thiếu thốn không thể lo đủ của cải cho con. Một cô gái về nhà chồng mà không mang đủ của nả theo yêu cầu sẽ phải sống trong sự khinh bỉ và bạo hành của gia đình.

Nhưng đó là điều dễ chịu nhất mà các cô dâu Ấn Độ mong tới, bởi nhiều cô gái khác còn bị lạm dụng, hay thậm chí là đổ dầu hỏa thiêu sống hoặc ép tự tử vì thiếu của hồi môn.

Thực tế, những vụ việc đáng ghê sợ trên không chỉ diễn ra ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh mà dường như càng ở nơi đô thị phồn hoa, những tội ác đó diễn ra càng phổ biến và được ngụy trang tinh vi. Chính quan niệm trọng nam khinh nữ cùng với sự đề cao tiền bạc thái quá là môi trường lí tưởng cho cơn ác mộng kia phát triển.

Những tàn tích sót lại của vụ đốt cô dâu ở Ấn Độ. Ảnh: Internet

Những tàn tích sót lại của vụ đốt cô dâu ở Ấn Độ. Ảnh: Internet

Thông thường, hủ tục “đốt cô dâu” thường diễn ra trong ngay tại nhà bếp khi cô dâu bị đổ dầu ăn lên khắp người. Việc đốt cô dâu trở nên phổ biến hơn các hình phạt khác là do giá dầu ăn ở Ấn Độ khá rẻ và sẵn có. Hơn nữa, trang phục xari truyền thống của người Hindu mà các cô gái hay mặc lại rất dễ bắt lửa.

Tỷ lệ sống sót sau những nghi thức “đốt cô dâu” là rất thấp và ít người trong số họ dám đứng lên khởi tố gia đình chồng. Ly hôn cũng được cho phép, nhưng ít cô dâu dám chọn vì như vậy sẽ làm tổn hại tới thanh danh của gia đình.

Hiện nay, Ấn Độ cũng có những quy định luật pháp nhất định về hành động sát hại cô dâu vì của hồi môn tuy nhiên chúng không mấy hiệu lực. Cảnh sát và tòa án cũng chỉ là sản phẩm của xã hội, mà ở đó con người luôn gán ghép thân phận thấp kém cho người phụ nữ, một số khác lại tin rằng “đốt cô dâu” chỉ là vấn đề riêng của các gia đình mà thôi.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN