Thứ bảy, 18/01/2025 | 02:18
RSS

Hơn 1 triệu trẻ sẽ tiêm bổ sung vaccine khi ca mắc bạch hầu tăng nhanh

Thứ ba, 07/07/2020, 11:41 (GMT+7)

Dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, dự kiến cho hơn 1 triệu trẻ

Hơn 1 triệu trẻ sẽ tiêm bổ sung vaccine khi các ca mắc bạch hầu tăng nhanh
Đoàn Bộ Y tế đi kiểm tra vùng dịch bạch hầu ở Đắk Nông

Tính tới 7/7, Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 49 ca nhiễm bạch hầu, tại 4 tỉnh Kon Tum (23 ca), TP.HCM (1 ca), Gia Lai (10 ca) và Đắk Nông (15 ca). Trong đó, 3 bệnh nhi đã tử vong (Gia Lai: 1, Đắk Nông: 2). Số ca mắc tăng nhanh trong thời gian từ tháng 6 đến nay. Theo Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, qua điều tra kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các địa phương cho thấy, hầu hết các ca mắc là trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi, nhưng vẫn mắc bệnh do miễn dịch đã giảm xuống. Đặc biệt, hầu hết những người mắc bệnh là trẻ trên 10 tuổi và người lớn.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết trên báo giao thông trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, dự kiến cho hơn 1 triệu trẻ. Trong 35 tỉnh được xác định có nguy cơ cao này, bao gồm Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TP.HCM - 4 địa phương đang ghi nhận dịch bạch hầu từ đầu năm đến nay. Dự kiến, đến năm 2022, sẽ triển khai trong phạm vi trong toàn quốc.

Theo bà Hồng, để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, từ năm 2019, vaccine Td bổ sung cho trẻ 7 tuổi đã được đưa vào chương trình TCMR. Theo đó, những trẻ này sẽ được tiêm thêm một mũi vaccine bạch hầu, bao gồm các bé chưa tiêm chủng, đã tiêm đủ 4 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, vaccine phòng bạch hầu có hiệu lực trên 70-80% nhưng với điều kiện, người dân phải tiêm đủ liều. Tiêm vaccine là biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu bền vững nhất. Trẻ em trong độ tuổi nào có chỉ định vắc xin đó phù hợp; như trẻ em dưới 1 tuổi có thể tiêm vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 có chứa thành phần bạch hầu; trẻ em dưới 4 tuổi, có thể tiêm DPT; trẻ em 7 tuổi, có thể tiêm Td theo chỉ định của cơ quan y tế.

Theo đó, bệnh bạch hầu rất dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi… qua các giọt bắn rơi ra tay chân, quần áo... Đặc biệt, nhiều người lành mang mầm bệnh, nhưng không có biểu hiện bệnh là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện ở nhiều tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông… đã xảy ra dịch bạch hầu với các ổ dịch và đã có ca tử vong; vì vậy, người dân không nên chủ quan. Đặc biệt là các bà mẹ cần tỉnh táo khi con có các biểu hiện giống viêm họng. 

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN