Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:26
RSS

Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, Kon Tum phải cho học sinh nghỉ học

Thứ bảy, 04/07/2020, 07:08 (GMT+7)

Chiều 3/7, Đắk Nông ghi nhận thêm một bệnh nhân bạch hầu nữa tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại địa phương này lên 2 người. Trong khi đó, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học để phòng chống bệnh bạch hầu.

Kon Tum: Cho học sinh nghỉ học để phòng chống bệnh bạch hầu

Thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cho biết, để phòng ngừa, sự lây lan của bệnh bạch hầu lãnh đạo phòng đã quyết định cho 37 trường học trên địa bàn từ bậc mầm non đến trung học cơ sở nghỉ học. Trong khi đó, huyện Đăk Tô cũng có 36 trường từ bậc mầm non đến THCS sẽ nghỉ học sớm để phòng, chống bệnh bạch hầu

“Việc cho các em học sinh nghị học sẽ không ảnh hưởng đến kết quả học tập bởi các em đã hoàn thành chương trình học và kết thúc thi học kì II năm học 2019-2020. Trước khi học sinh nghỉ học, Phòng  GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức tổng dọn vệ sinh, khử trùng”, bà Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cho hay.

Kon Tum cho học sinh nghỉ học để phòng chống bệnh bạch hầu

Kon Tum quyết định cho 37 trường học trên địa bàn nghỉ học

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu như hiện nay, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc, khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ngay sau khi phát hiện hai trường hợp dương tính với bệnh hầu tại xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), chính quyền huyện đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, cho biết, hiện nay, sức khỏe của 2 trường hợp dương tính đã ổn định, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh vẫn có tình trạng sức khỏe bình thường. Tại ổ dịch này, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều sống ở xung quanh nhà người bệnh nên khả năng lan rộng ra cộng đồng không cao.

Ông Dương Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu huyện đã chỉ đạo, phân công trực tiếp lãnh đạo chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn xuống vùng bệnh tổ chức tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Đắk Nông: Đã có 16 ca dương tính bệnh bạch hầu

Chiều ngày 3/7, TS-BS Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết sau thời gian điều trị tích cực vì mắc bệnh bạch hầu, bé trai GAP (13 tuổi, dân tộc Mông, ngụ tỉnh Đắk Nông) đã tử vong.

Đây là bệnh nhi thứ hai ở Đắk Nông bị tử vong do bạch hầu. Trước đó, một bệnh nhi 9 tuổi khác cũng bị bạch hầu ác tính gây biến chứng lên tim, suy thận do BV tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Bệnh nhân đã tử vong sau hai giờ nhập viện. Đây cũng là một bé gái người Mông, từ lúc sinh ra không được chích ngừa.

Kon Tum cho học sinh nghỉ học để phòng chống bệnh bạch hầu

Đắk Nông ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu

Cũng trong cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, vừa có thêm một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại buôn Bu N’doh, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp), nâng tổng số ca nhiễm vi khuẩn bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lên 16 ca. Đó là trường hợp cháu Đ.K (sinh năm 2003), nhập viện với triệu chứng sốt, ho, đau họng…, nghi bạch hầu.

Hiện, cơ quan chức năng đã lập 3 điểm chốt chặn, khoanh vùng, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại ổ bệnh. Ngành Y tế đã bố trí nhân lực, vật tư y tế, tiến hành khử khuẩn, khám sàng lọc, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vắc xin phòng, chống bệnh cho hơn 700 nhân khẩu trong buôn Bu N'doh và khu vực lân cận.

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, việc quan trọng vào lúc này chính là tuyên truyền để bà con hiểu và làm theo hướng dẫn, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tiêm phòng đầy đủ để phòng, chống bệnh bạch hầu nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác.

"Khi thấy người thân có triệu chứng bệnh, cần đưa ngay đến cơ sở y tế, tránh trường hợp đưa lên muộn, bệnh phát triển nặng, khó cứu chữa như 2 trường hợp tử vong vừa qua", bác sĩ Thành khuyến cáo.

Tính đến đầu tháng 7/2020, phần lớn bệnh nhân nhiễm bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông đều ngụ tại xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) và xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong). Đây có thể được coi là 2 "tâm dịch" bạch hầu của tỉnh.

Đăk Tô: Gấp rút tổ chức thi học kỳ để cho học sinh nghỉ học

Kon Tum cho học sinh nghỉ học để phòng chống bệnh bạch hầu

UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo gấp rút tổ chức thi học kì để cho học sinh nghỉ học

Cùng ngày, thông tin từ UBND huyện Đăk Tô cho biết, huyện đang chỉ đạo ngành giáo dục gấp rút tổ chức thi học kì để cho học sinh nghỉ học nhằm phòng, chống bệnh bạch hầu. Theo đó, ngày 3/7, có 36 trường học từ bậc mầm non đến THCS sẽ hoàn tất việc thi học kì.

Trước đó, ngày 30/6, huyện Đắk Tô ghi nhận thêm 2 bệnh nhân dương tính với bệnh Bạch hầu. Hiện cả 2 bệnh nhân này được đưa đến điều trị, cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô và huyện Sa Thầy. Sức khoẻ của các bệnh nhân đều ổn định.

Như vậy, tính đến tối 3/7, cả nước đã phát hiện 27 người nhiễm bệnh bạch hầu, trong đó tỉnh Kon Tum ghi nhận 11 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và 9 trường hợp mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh. Tại tỉnh Đắk Nông có 16 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

Ngày 2/7, Bộ Y tế có công điện gửi tới các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước yêu cầu tăng cường công tác phòng chống, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bạch hầu, không để ổ dịch lan rộng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh cần tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các nhân viên y tế để chuẩn bị tiếp nhận các ca bệnh nặng.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN