Hình ảnh nội soi của bệnh nhân bị sặc răng giả.
Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân Dân 115 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 35 tuổi, nhà ở Hóc Môn, nhập viện vì sặc. Trước đó, bệnh nhân đang chạy xe máy thì bị ho, văng răng giả và sặc sau đó. Bệnh nhân nhập viện bệnh viện Hóc Môn và được chuyển viện Bệnh viện Nhân Dân 115.
Tại khoa Cấp cứu tổng hợp, bệnh nhân được chụp X quang ngực thẳng, ghi nhận có hình ảnh cản quang dạng chữ S, vị trí khí quản-carina và một phần nằm phế quản gốc phải.
Bệnh nhân được chuyển khoa Hô hấp nội soi phế quản cấp cứu. Tại đây, trong quá trình nội soi phế quản các bác sĩ ghi nhận đoạn cuối khí quản - carina thấy dị vật là răng giả có móc kim loại bám vào niêm mạc khí quản và một phần dị vật ở phế quản gốc phải. Bệnh nhân được gắp dị vật qua nội soi, kiểm tra không ghi nhận tổn thương khí phế quản sau gắp, và bệnh nhân được xuất viện sau đó.
Theo BS.CK1 Lê Thị Xuân Mai - Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân Dân 115, dị vật đường thở không phải là hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ hay ở người lớn có phản xạ nuốt, ho khạc kém, hay ăn uống không cẩn thận và cũng gặp ở người có răng giả nhưng không được cố định chắc.
Chiếc răng giả được lấy ra khỏi khí quản bệnh nhân.
Dị vật đường thở có thể gây nhiều biến chứng. Nặng có thể gây ngưng thở sau hội chứng xâm nhập hoặc thủng xước khí phế quản nếu dị vật có móc, có góc cạnh nhọn, hoặc gây viêm, xẹp thùy phổi do bít tắc.
Qua trường hợp trên các bác sĩ khuyến cáo:
1. Khi đang ăn không nên đùa giỡn.
2. Xương heo, gà, vịt không nên chặt nhỏ, dập vì vụn xương sẽ dính vào thịt.
3. Nếu răng giả bị lỏng, gãy móc… nên đi chỉnh sửa ngay.
4. Khi bị hóc dị vật nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa để tránh các biến chứng có thể xảy ra do không được điều trị kịp thời.
Xem thêm clip: Hãy đọc bài viết này nếu bạn sợ bé ăn dặm tự chỉ huy bị hóc nghẹn