Thứ tư, 24/04/2024 | 23:19
RSS

Hành vi giết mổ lợn chết không rõ nguyên nhân bị xử lý như nào?

Thứ tư, 16/01/2019, 07:32 (GMT+7)

Việc sử dụng các loại thực phẩm bẩn, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, có nguy cơ mắc các bệnh ung thư rất cao do vậy cần phải xử lý thật nghiêm các đối tượng có liên quan.

Hành vi giết mổ lợn chết không rõ nguyên nhân bị xử lý như nào?Những con lợn chết do bệnh được một cơ sở tại Vĩnh Phúc giết mổ. Ảnh: VTV

Vừa qua, theo thông tin báo chí phản ánh thì Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Tường phát hiện gia đình ông Phan Văn Luận ở thôn Cuối, xã Nghĩa Hưng giết mổ bốn con lợn chết không rõ nguyên nhân, mỗi con khoảng 70kg, trà trộn với thịt lợn không bị bệnh để bán.

Sự việc này khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc, hoang mang trước thông tin thực phẩm bẩn hiện nay được đưa vào sơ chế, chế biến làm thực phẩm một cách ngang nhiên, công khai.

Theo thông tin ông Đặng Quang Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: Hộ ông Phan Văn Luận đã từng bị UBND huyện Vĩnh Tường xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng vì vi phạm quy định trong giết mổ, kinh doanh vận chuyển các sản phẩm từ động vật hồi tháng 7/2018 và năm 2016 cũng đã từng bị lực lượng chức năng xử lý vì hành vi trên.

Liên quan đến vụ việc trên Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư Hà Nội đã có những chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý. Theo Luật sư Cường, cho biết đây không phải trường hợp hiếm gặp hiện nay về việc phát hiện thực phẩm bẩn, thực hiện không rõ nguồn gốc được đưa vào bán tại thị trường. Việc sử dụng các loại thực phẩm bẩn, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, có nguy cơ mắc các bệnh ung thư rất cao.

Hành vi giết mổ lợn chết không rõ nguyên nhân bị xử lý như nào?2Số thịt từ hoạt động giết mổ này sẽ được chuyển đến một cơ sở để làm ra sản phẩm thịt xấy bán ra ngoài thị trường. Ảnh: VTV

Do đó, đối với các hành vi này cần phải xử lý thật nghiêm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Dưới góc độ pháp lý, thứ nhất, đối với hành vi giết mổ lợn mắc bệnh, lợn chết bán ra ngoài thị trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

Theo đó phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi Giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh theo quy định.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm và buộc tiêu hủy động vật hoặc sản phẩm từ động vật vi phạm.

Bên cạnh đó, tùy từng tính chất mức độ thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự.

Theo đó, với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây ngộ độc cho nhiều người thì mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Thứ hai, đối với hành vi thu mua thịt lợn chết, chế biến để bán ra thị trường thì tùy từng tính chất mức độ hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, về mức xử phạt hành chính: phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

Hoặc phạt tiền hạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp nêu trên mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự,… theo quy định tại Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ cơ sở từ 3-12 tháng tùy mức vi phạm và buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm. Ngoài ra, hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự như đã nêu trên.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây ngộ độc cho nhiều người thì mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Xem thêm:

Bắc Giang: Bắt hàng chục thanh niên đang 'phê' ma túy trong nhà nghỉ

Thuý Mượt
Theo Đời sống Plus/GĐVN