Theo ghi nhận của PV Infonet tại thời điểm 13/01/2019, hàng loạt các con sông chảy qua khu dân cư tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đang phải hứng chịu hàng trăm xác lợn chết.
Nguyên nhân được xác định là các hộ chăn nuôi thay vì tiêu hủy đúng cách lại mang lợn chết ra sông vứt. Hiện đang mùa nước cạn, lợn chết được đem vứt xuống sông không thể trôi đi đâu, làng quê nồng nặc mùi xác lợn thối do đang phân hủy. Người dân ở đây cho hay, có trường hợp hộ chăn nuôi “mang cả công nông chở lợn chết đổ xuống sông”.
UBND tỉnh Nam Định cho biết, trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng kịp thời.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy, hàng ngày vẫn có cả trăm con lợn được người dân vô tư vứt xuống sông, thậm chí xác lợn chết còn nổi lềnh phềnh ngay trước cửa nhà Bí thư tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong, thuộc thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng.
Tại một nhánh của sông Phú Lợi, ngay trước nhà Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong, xác lợn to, lợn nhỏ, và cả lòng lợn cùng tụ lại.
Xác lợn chết trương tại sông Phú Lợi, chỉ cách nhà Bí thư tỉnh ủy khoảng 200m.
Theo ghi nhận, xác lợn chết tập trung nhiều nhất ở sông Ninh Hải, đoạn chảy qua địa phận xã Nghĩa Phú, và sông Phú Lợi, đoạn chảy qua thị trấn Quỹ Nhất. Riêng đoạn sông Ninh Hải chảy qua cánh đồng xã Nghĩa Phú chỉ khoảng 300m nhưng có đến cả trăm xác lợn lớn, bé.
Mặc dù dịch bệnh, xác lợn bệnh nổi lềnh phềnh lây lan dịch,nhưng trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, cũng như website của UBND huyện Nghĩa Hưng đều không có bất kỳ thông tin nào về việc này, trong khi đó hệ thống loa truyền thanh ở các xã cũng đang "tê liệt".
Xác lợn chết đang phân hủy, tại một đoạn sông thuộc địa bàn xã Nghĩa Phú. Do mùa nước cạn nên không thể trôi đi đâu.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Hồng Quảng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho hay – lợn chết là do từ nơi khác trôi về, thực tế số lợn chết trên địa bàn xã chỉ một vài con và đã được chôn lấp.
Tại những đoạn có nước, do thời điểm đóng cống để làm ải nên nước không chảy.
“Không có chuyện người dân xã Nghĩa Phú mang lợn chết vứt ra sông. Với số lượng lợn từ nơi khác trôi về, chúng tôi cũng đã chỉ đạo anh em mang đi chôn lấp nhưng thực tế số lượng chỉ 1-2 con chứ không có nhiều. Chúng tôi vẫn đang cho cán bộ thú y tăng cường kiểm tra, xử lý bằng vôi bột và những thuốc ở những khu chăn nuôi và giết mổ”, ông Phạm Hồng Quảng nói.
Cả một đoạn sông Ninh Hải chất đầy những bao đựng xác lợn chết ven sông.
Mặc dù ông Chủ tịch xã khẳng định “lợn từ nơi khác trôi về” nhưng thực tế đoạn sông này nước cạn và gần như không chảy. Thậm chí không ít xác lợn được vứt lơ lửng ven bờ.
Đáng báo động là đã có trường hợp người dân mua phải thịt lợn chết từ chợ, sau khi phát hiện đã mang đến nhà người bán để bắt đền. Hiện nay, khi chưa có sự hướng dẫn cụ thể từ chính quyền địa phương, người dân phải tự loay hoay phòng chống dịch và tự bảo nhau hạn chế ăn thịt lợn vì chưa thể biết chắc chắn sẽ mua được thịt lợn không dính bệnh.
Xác lợn chết bị dồn tại cửa cống và đang phân hủy gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch lở mồm long móng đang phổ biến ở các tỉnh thành Hà Nội Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định,… Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường.
Có cả những con lợn vừa được vứt ra, ngay ven bờ, thuộc đoạn sông chảy qua cánh đồng xã Nghĩa Phú.
Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời hoặc có nhưng chưa chính xác, đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh, chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh theo quy định.
Ông Tuấn, một người dân xã Nghĩa Phú cho hay, mặc dù xã đã tuyên truyền nhưng nhiều người dân thiếu ý thức vẫn mang lợn chết ra sông vứt.
Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, cũng như website của UBND huyện Nghĩa Hưng đều không có bất kỳ thông tin nào về việc này, trong khi đó hệ thống loa truyền thanh ở các xã cũng đang "tê liệt".