“Không niềm vui nào sánh bằng”
Nhiệm vụ lớn nhất của các cơ sở giáo dục mầm non là nuôi và dạy trẻ, đây là lứa tuổi mà cả xã hội đặc biệt quan tâm về chế độ dinh dưỡng để có những “mầm xanh” thật khỏe mạnh, vững vàng lớn lên cùng năm tháng. Do vậy, làm thế nào để trẻ phát triển cả về thể lực và trí lực là điều mà không chỉ các nhà trường mà cả hệ thống chính trị ở từng địa phương đặc biệt quan tâm.
Đây cũng là lý do vì sao chương trình SHĐ khi triển khai ở các địa phương luôn được bắt đầu từ bậc học mầm non nếu chưa thể triển khai cùng lúc ở cả cấp tiểu học.
Trong các tỉnh thành cả nước, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đầu tiên thực hiện đề án SHĐ. Vào năm học 2007 – 2008, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai chương trình dành cho trẻ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng và trẻ ở trong các trường mầm non.
Đến nay, qua hơn 10 năm thực hiện, chương trình SHĐ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng. Cụ thể, số lượng học sinh mầm non đến trường ngày càng đông, luôn vượt chỉ tiêu, năm 2006 là 49.961 học sinh ra lớp, đến năm 2017 tăng lên 69.513 trẻ. Trong trường mầm non, 100% trẻ tăng cân, tăng chiều cao và trí tuệ phát triển tốt.
Đặc biệt, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2006 là 25%, đến cuối năm 2016 chỉ còn 4,6%; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2012 là 10,6% thì đến cuối năm 2016 chỉ còn 2,8%...
Cô Huỳnh Thị Hảo, Hiệu trưởng trường Mầm non Phước Thạnh, Huyện Đất Đỏ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Hơn 10 năm qua, chương trình SHĐ đã thực hiện được nhiệm vụ của mình là góp phần làm giảm tỉ lệ trẻ suy dinh trên địa bàn tỉnh; đồng thời giúp hỗ trợ tăng chiều cao của trẻ so với trước khi tham gia chương trình. Với những người làm công tác nuôi dạy trẻ như chúng tôi thì thật sự không có niềm vui nào có thể sánh bằng với việc nhìn thấy các em phát triển khỏe mạnh, nhanh nhẹn và vui tươi”, cô Hảo cho biết.
Tại Bắc Ninh, sau khi triển khai SHĐ từ năm 2013 đến 2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ đã giảm đến 5% từ 6,6% (năm 2013) chỉ còn 1.6% (năm 2017). Ở đối tượng trẻ mẫu giáo, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 4.6% xuống 1.6%, thể thấp còi giảm từ 4.2% xuống 2.8%. Trung bình tăng trưởng trong 4 năm về cân nặng là 1.4 – 1.5kg, về chiều cao là 2.3 – 2.4 cm.
Tại Đồng Nai trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 6.30% (2015) xuống 4.60% (2016); trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 7.20% (2015) xuống 5.20% (2016)…
Báo cáo của Viện Dinh dưỡng công bố tại Ngày Vi chất dinh dưỡng 2019 chỉ ra rằng: Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%); chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao….
Tất cả những kết quả đáng khích lệ này đều đến từ chủ trương đúng đắn và hết sức nhân văn của Chính Phủ khi quyết định triển khai đề án SHĐ nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Đây cũng là thành quả của sự phối hợp nghiêm túc cùng tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền địa phương, nhà trường và các doanh nghiệp cung cấp sữa.
Trăm nghe không bằng mắt thấy
Cô Nguyễn Thị Phúc, giáo viên Trường mẫu giáo Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre cho biết: Chương trình SHĐ tại Bến Tre được triển khai từ năm 2017 với mức khởi đầu là mỗi học sinh uống 3 hộp sữa/ tuần. Tham gia chương trình, phụ huynh chỉ phải đóng 75% giá thành của hộp sữa, phần còn lại là do Vinamilk, đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ. Những học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được địa phương và công ty hỗ trợ để các em được thụ hưởng chương trình SHĐ như các bạn khác mà không phải đóng phí.
Chính vì vậy, cô Phúc cho rằng ban đầu chỉ có khoảng 30% phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia chươn trình nhưng sau một thời gian thì phụ huynh đã cảm nhận được sự hợp lý và tính ưu việt của chương trình nên số lượng hiện nay đã tăng lên hơn 80%...
Việc triển khai chương trình SHĐ tại trường mầm non Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội lại là một câu chuyện khác. Cô Đào Thị Thanh Thảo, Phó hiệu trưởng trường cho biết do đóng ở địa bàn ngoại thành Hà Nội nên trường có rất nhiều điểm trường lẻ, không ít phụ huynh vẫn chưa coi sữa là thành phần dinh dưỡng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của con.
Tuy nhiên, khi chương trình SHĐ được triển khai thực tế, được đến giám sát, trực tiếp thấy con em mình hào hứng uống sữa ở trường thì phụ huynh trở nên rất tin tưởng và phấn khởi. Cô Thảo tâm sự:“Chỉ sau 2 tháng đã có gần 100% phụ huynh các trẻ từ mầm non đến mẫu giáo của trường tự nguyện đăng ký để tham gia chương trình SHĐ. Tôi cho rằng, các cháu khỏe mạnh, đủ dinh dưỡng, đẩy lùi bệnh tật do thiếu chất là mong muốn lớn nhất của cha mẹ các bé và chúng tôi”, cô Thảo nói.
Còn cô Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu cũng chia sẻ, đến nay, tỷ lệ 100% trẻ của trường tham gia SHĐ là một con số mà bản thân nhà trường cũng thấy rất ấn tượng. “Chính hiệu quả thực tế của chương trình đã đem lại cho các em học sinh và sự đồng lòng của cả gia đình và nhà trường với mong muốn mang lại những gì tốt đẹp nhất mới làm được điều này. Các phụ huynh đều tự nguyện đăng ký cho con em mình tham gia chương trình!”, cô Mai nói.
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết năm học mới 2019- 2020, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để làm sao đạt tỷ lệ trên 90% học sinh tham gia chương trình SHĐ. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục biết tới chương trình này và tổ chức cho phụ huynh đăng ký tham gia để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cháu, quan tâm tới việc tiếp nhận, bảo quản sữa ở những cơ sở này để đảm bảo chất lượng.
Còn ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thì khẳng định: “Cách thức tuyên truyền tốt nhất, không gì khác là chúng ta phải làm thật tốt, đặt vấn đề an toàn và chất lượng lên hàng đầu như cách mà chúng ta đã làm và làm tốt hơn nữa để người dân yên tâm, tin tưởng và tự nguyện đăng ký cho trẻ tham gia SHĐ”.
Trên thế giới có 60 quốc gia triển khai chương trình Sữa học đường. Tại Việt Nam, chương trình cũng đang được triển khai tại 17 tỉnh, thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Thuận… và mới đây nhất, TP. Hồ Chí Minh và Vĩnh Long sẽ là hai đia phương tiếp theo triển khai chương trình Sữa học đường trong năm học 2019-2020.
Số địa phương triển khai đề án Sữa học đường liên tục tăng qua hàng năm đã cho thấy sự đúng đắn của 1 chương trình có tính nhân văn cao của Chính phủ với những kết quả khả quan và nhìn thấy được trong việc góp phần cải thiện thể chất, điều kiện dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam.