Thứ năm, 28/03/2024 | 16:26
RSS

Hàng loạt trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2021

Thứ năm, 24/12/2020, 13:33 (GMT+7)

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Văn Lang và Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM… mới đây đã công bố kế hoạch tuyển sinh 2021.

Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức thi đánh giá năng lực, quy mô khoảng 10.000 thí sinh bên cạnh vẫn giữ các phương thức tuyển sinh truyền thống. Kỳ thi sẽ chia 4 - 5 đợt, từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh. Được biết, phương thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đã được Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai từ năm 2015, 2016 nhưng sau đó lại dừng.

Ngoài ra, trường vẫn xét tuyển theo phương thức khác như tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELST và tương đương, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Trong khi đó, đề án tuyển sinh dự kiến năm 2020 của Đại học Văn Lang công bố ngày 20/12 có 7.000 chỉ tiêu cho 50 ngành ở các nhóm Kinh doanh và quản lý, Kỹ thuật - công nghệ Xã hội và nhân văn, Kiến trúc và xây dựng, Sức khoẻ, Nghệ thuật. Trong đó, ở nhóm Sức khoẻ dự kiến mở thêm ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền bên cạnh các ngành đang có là Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Hàng loạt trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2021

Ảnh minh họa

Trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM; xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển thẳng. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 30% chỉ tiêu, xét học bạ 60% chỉ tiêu.

Năm 2020, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Đại học Văn Lang lấy mức điểm chuẩn 16-21. Ngành lấy điểm cao nhất là Răng Hàm Mặt 22 điểm, tiếp đó là Dược học 21. Nhiều ngành lấy 19 điểm như Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng, Quản trị khách sạn, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học. Với phương thức xét học bạ, trừ nhóm ngành Sức khoẻ, hầu hết đều lấy điểm chuẩn 18 hoặc 24 (môn chính nhân hệ số 2), trung bình mỗi môn 6 điểm.

Tương tự, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM ổn định việc tuyển sinh với gần 3.500 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo. Trường có 4 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 65% tổng chỉ tiêu; xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM 5%; còn lại xét học bạ (học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn hoặc học bạ 5 học kỳ THPT, trừ học kỳ II lớp 12). 5 ngành mới dự kiến được mở gồm bất động sản Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ hoạ.

Năm nay, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi THPT của trường là 19-24, tăng 2-3 điểm so với năm ngoái. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Logistic và quản lý chuỗi cung ứng 24 điểm (tăng 7 điểm). Các ngành Kinh doanh quốc tế, Marketing có điểm chuẩn 23, các ngành còn lại dao động 19-22.

Trước đó, Đại Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech), Đại học Công nghiệp TPHCM Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng đã công bố đề án tuyển sinh năm 2021.

H.H (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN