Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:25
RSS

Hạ sốt bằng thuốc nam không lành và an toàn như chúng ta vẫn nghĩ

Thứ tư, 23/08/2017, 09:28 (GMT+7)

Người mắc sốt xuất huyết thường sốt cao, phải dùng thuốc hạ sốt liên tục. Cho rằng dùng nhiều thuốc hạ sốt không tốt nên nhiều người đã dùng các cây lá để hạ sốt.

E ngại thuốc hạ sốt có tác dụng phụ nên một số đối tượng như phụ nữ có thai, người già, cha mẹ có con nhỏ muốn tìm đến thuốc nam như lá tre, cỏ nhọ nồi, hoa hòe...

Trong suy nghĩ của nhiều người, các lá thuốc nam thường lành tính, ít tác dụng phụ so với dùng thuốc tây nên... dùng cho an toàn.

Bàn về việc dùng thuốc nam như lá tre hay một số loại lá khác để hạ sốt, BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tỏ ra băn khoăn vì: Nước lá tre có tác dụng hạ sốt một chút, nhưng nếu nói về hiệu quả thì "một gánh lá tre mới bằng một viên paracetamol". Vị vậy, ai lựa chọn uống một gánh lá tre, ai uống một viên paracetamol thì đó là quyền cá nhân, bác sĩ không can thiệp được. Tất nhiên, người bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.

Hạ sốt

Cỏ nhọ nồi có tác dụng làm mát, nhưng phụ nữ có thai không nên tùy tiện dùng cỏ nhọ nồi hay các cây lá khác để hạ sốt. Ảnh minh họa

Ngày xưa có hẳn bài thuốc bổ sung thanh dịch gồm 7-8 vị thuốc, sắc cả buổi thì mới tương đương với 1 gói oresol bây giờ. Bản thân các thầy thuốc đông y bây giờ cũng cho dùng oresol để bù dịch chứ không khuyến cáo thuốc sắc.

Có hai điều BS Cấp cho rằng nên xin ý kiến bên Đông y chính thống: Đó là khi dùng cỏ nhọ nồi, thận trọng có thể gây sảy thai (trong khi đang sốt xuất huyết mà sảy thai thì rất nguy hiểm).

Thứ hai, có một số bài thuốc dùng trong sốt xuất huyết giai đoạn đầu có vị hoa hòe, nhưng mọi người lại mách nhau chỉ dùng hoa hòe. Trong khi hoa hòe cầm máu nhưng gây tụt huyết áp. “Hoa hòe dùng trong sốt xuất huyết Dengue mà gây sốc Dengue thì sẽ trầm trọng hơn” - BS Cấp lo ngại.

Đem chuyện dùng thuốc nam hạ sốt hỏi BSCK II Phó Đức Thuần, Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu thực nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, BS Thuần cho biết: Đúng là các cây lá thuốc nam rất quý, đã được ông cha ta ngàn đời nay sử dụng. Nhưng giờ đây dưới ánh sáng của khoa học, cái gì tốt thì ta phát huy, cái gì chưa hiệu quả thì ta cần thận trọng xem xét lại.

Ha sot

Nếu thực sự muốn điều trị theo đông y, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán. Ảnh minh họa

Nói riêng về hai vị cụ thể được nhiều người ưa dùng để hạ sốt như cỏ nhọ nồi và hoa hòe, và đặt câu hỏi "có phải cỏ nhọ nồi có tác dụng phụ dễ gây sảy thai?", BS Thuần cho biết, cỏ nhọ nồi có tác dụng làm mát, cầm máu nhưng việc dùng thuốc ở người có thai rất lôi thôi. Vì vậy, phụ nữ có thai dùng bất cứ thuốc gì phải rất thận trọng.

Phụ nữ có thai khi bị sốt, cần đi khám, dùng thuốc theo chỉ định, không nên tùy tiện dùng bất cứ cây lá gì.

Còn hoa hòe theo đông y có tác dụng làm mát, làm vững chắc thành mạch để không chảy máu.

Theo đông y, khi huyết nhiệt thì uống chè hoa hòe; còn nói theo tây y, uống hoa hòe là uống vitamin C2 hay P để làm vững chắc thành mạch, giúp không chảy máu (nóng quá hay nhiều nguyên nhân khác có thể gây chảy máu). Về lý thuyết thì khi chảy máu dùng hoa hòe không sai, nhưng để điểu trị, phải có chẩn đoán cụ thể. Người bệnh sốt xuất huyết không nên tùy tiện dùng hoa hòe.

BS Thuần khẳng định: Dùng thuốc nam không đơn giản, phải theo biện chứng luận trị. Tức là phải chẩn đoán người bệnh thuộc hàn hay nhiệt. Trường hợp có chảy máu trong, phải chẩn đoán theo âm - dương, biểu - lý, hàn - nhiệt, hư - thực. Dùng thuốc theo đông y nhưng lại không biết chẩn đoán hàn hay nhiệt, biểu hay lý, hư hay thực thì dễ “mang vạ”.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu muốn chữa theo đông y thì phải gặp thầy thuốc đông y, dùng thuốc theo cả thang với nhiều vị cân bằng đầy đủ. Lá tre, cỏ nhọ nồi hay hoa hòe chỉ là một phần trong thang thuốc, không thay thế được tất cả. Việc học lỏm nhau một cách lõm bõm không khác gì đọc được câu “Đau bụng uống nhân sâm” rồi mách nhau uống nhân sâm khi đau bụng, nhưng thực tế, đầy đủ cả câu là “Đau bụng uống nhân sâm thì chết”!

Cách hạ sốt cho trẻ nhanh, an toàn, khoa học. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN