Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:13
RSS

Hà Nội: Ô nhiễm không khí kéo dài ít nhất đến năm 2030

Thứ ba, 12/01/2021, 15:43 (GMT+7)

“Tôi khuyến cáo là ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài, ít nhất từ nay đến 2030, dù có làm gì thì thay đổi cũng sẽ không nhiều. Giải bài toán ô nhiễm không khí cần nhiều thời gian”.

Hà Nội: Ô nhiễm không khí kéo dài ít nhất đến năm 2030

Không khí Hà Nội ô nhiễm đến mức có thể nhìn thấy.

Trên đây là nhận định của GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội.

Cao hơn quy chuẩn đã… 20 năm

Ngày 9/1, Tọa đàm “Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?” đã diễn ra tại Hà Nội. PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có nghiên cứu về ô nhiễm không khí Thủ đô trong vòng 20 năm trở lại đây. Ông cho biết, thống kê tại 5 điểm ở Hà Nội gồm Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, cầu Chương Dương, khu Thượng Đình và Bách Khoa cho thấy, trong 20 năm qua, bụi PM 10 nhiều năm liền cao hơn quy chuẩn Việt Nam, đặc biệt là vào mùa khô.

Với PM 2.5, trung bình ngày trong 20 năm qua luôn luôn cao hơn tiêu chuẩn cho phép. So với thế giới với bụi PM 10 của Việt Nam chỉ thấp hơn một vài nước như Ấn Độ, Băng-la-đét. Còn với bụi PM 2.5 thì Việt Nam luôn ở nhóm nước cao nhất thế giới. So sánh với các thành phố trong khu vực thì Việt Nam cũng luôn ở mức cao.

“Tôi thấy có một bất cập là hiện chúng ta chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho bụi nano. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu quan trắc tại Gia Lâm và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì thấy rằng, hàm lượng bụi nano trong không khí của chúng ta cũng cao hơn nhiều nước. Nguy hiểm là bụi nano có thể đi vào khí quyển, đi vào máu, rất nguy hại cho sức khỏe

Với các chất ô nhiễm dạng khí SO2, NO2 và Benzen… thấy rằng, khí NO2 trong nhiều năm đều vượt quy chuẩn ở khu vực nội thành. Ozon có dấu hiệu vượt ngưỡng trung bình giờ của QCVN 05:2013/BTNMT”, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho hay.

Nguyên nhân phát sinh ô nhiễm từ giao thông chiếm đến 40%, đốt sinh khối là 13%, công nghiệp thép và xi măng là 19%, đốt than đá 17%, Sulfata thứ cấp 7,8% và bụi bốc lên từ đất chiếm 3,4%. Riêng bụi nano thì nguồn phát sinh từ giao thông chiếm đến 46%, nguồn thứ cấp là 31%, đun nấu sinh hoạt và kinh doanh nhỏ chiếm 12,23%...

GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chỉ rõ “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ hai nguồn chính, bụi từ giao thông và xây dựng. “Từ kinh nghiệm của bản thân và qua nghiên cứu, tôi khẳng định hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch”, GS Đăng khẳng định.

Loại bỏ xe máy cũ để giảm ô nhiễm

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng, chủ trương thu hồi xe máy cũ của Hà Nội và TPHCM cần được nghiên cứu rất kĩ để bảo đảm quyền lợi của nhiều người. Tuy nhiên, ông ủng hộ giải pháp thay thế, hỗ trợ kinh tế. Nếu chúng ta tăng số lượng xe công cộng, cải thiện dịch vụ, có trợ giá, thì người dân sẽ chuyển sang đi xe công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân hoặc chuyển sang các loại xe có tiêu chuẩn khí thải cao hơn như EURO 4.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, không ai có thể thu hồi xe được. Bởi không có khung pháp lý cho việc thu hồi tài sản cá nhân. Bất chấp những xe máy ấy dù đã rất cũ, gây ô nhiễm. Chúng ta không có quy định để định nghĩa thế nào là xe thải bỏ, không được lưu hành. Nhưng bằng cách tiếp cận khác có thể hạn chế được việc lưu hành các loại xe này, chẳng hạn như đặt ra tiêu chuẩn khí thải để cho phép xe được chạy trên đường.

TS Tùng cho rằng, chính quyền nên có quy định kiểm tra khí thải, niên hạn sử dụng xe máy. Nếu công bố mức kiểm tra khí thải 50.000 đồng/năm thì người nghèo có thể vẫn sẽ chi trả được. Đây là điều mà TPHCM đang bắt đầu triển khai từ năm 2020.

Hà Nội: Ô nhiễm không khí kéo dài ít nhất đến năm 2030

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần có thêm các trạm đo có chất lượng tốt trên phạm vi toàn quốc. Phải kiểm soát được nguồn phát thải, kiểm kê phát thải chi tiết ở các tỉnh thành cho bức tranh chung phân bố ô nhiễm không khí trên toàn quốc. Các dự báo về không gian, thời gian còn hạn chế, nên cần đầu tư theo định hướng đó.

TS Hoàng Dương Tùng cho biết, để có giải pháp thì phải kiểm kê phát thải một cách cụ thể, chính xác là bao nhiêu phần trăm từ nguồn nào. Mỗi giai đoạn có con số khác nhau. Đầu tư cho không khí so với nước thải và rác thải ở Việt Nam cực thấp, kéo theo đó người nghiên cứu về không khí cũng ít, do vậy số liệu quan trắc để nghiên cứu cũng rất ít.

“Cách đây vài ngày Hà Nội cũng có đưa ra các giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí. Song theo tôi phải giải quyết ngay vấn đề kiểm soát khí thải xe máy, kiểm soát công trình xây dựng thải bụi qua hệ thống camera. Xung quanh Hà Nội có số làng nghề tái chế rất lớn, hàng nghìn ống khói tua tủa, phải kiểm soát được. Rồi việc đốt rác rất nhiều, chính các đơn vị thu gom, xử lý rác đốt… Kiểm soát những yếu tố này không khó”, TS Hoàng Dương Tùng cho hay.

“Hà Nội đã bị ô nhiễm không khí, nhưng đến bao giờ thì hết, nguồn ở đâu… Nguyên nhân chính là do sự phát triển. Đời sống nâng cao, tiêu thụ nhiều nhiên liệu, xây dựng gia tăng chóng mặt, dân số tăng, phương tiện tăng lên, cuộc sống tăng lên… Mỗi người chúng ta đều là thủ phạm của ô nhiễm không khí từ những hành động của chính mình như tiêu thụ điện, dùng xăng xe.

Tôi khuyến cáo là ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài ít nhất từ nay đến 2030. Nếu chúng ta bắt tay vào hành động ngay thì đến thời điểm 2030 sẽ có biến chuyển. Giải quyết bài toán này không dễ dàng một sớm một chiều mà cần đến rất nhiều năm”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội nhận định.

Nhật Phong
Theo Giáo dục & Thời đại