Thứ hai, 25/11/2024 | 02:14
RSS

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM ở mức báo động

Thứ ba, 24/11/2020, 15:36 (GMT+7)

Những ngày vừa qua, tại Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở nhiều khu vực đã ở mức kém và mức xấu. Không chỉ Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí cũng xuất hiện ở TP.HCM.

Những khu vực có nhiều công trình xây dựng và giao thông đông đúc thì chất lượng không khí lại càng kém. Theo phần mềm đo lường chất lượng PAM Air, nhiều khu vực tại TP.HCM có chất lượng không khí đạt ngưỡng cảnh báo màu cam và màu đỏ - mức chất lượng không khí rất xấu.

"Ngay quận 1 của TP.HCM có chất lượng không khí rất kém ở mức báo động màu đỏ hoặc đỏ đậm vì vậy chúng ta cảm thấy rất khó chịu. Đặc biệt, hạt bụi mịn PM 2.5 mật độ rất lớn trong không khí có thể xâm nhập sâu vào phổi và cuống phổi của mọi người" - chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho VTV biết.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, tại TP.HCM, số liệu quan trắc môi trường các năm đều cho thấy ô nhiễm không khí vượt mức nguy hại do các hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí gây ra. Nguyên nhân chính được xác định do hoạt động giao thông và thi công công trình. Trong lúc chờ đợi những cảnh báo chính thức từ các cơ quan chức năng, người dân nên chủ động các biện pháp như đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.

Gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM những ngày qua
Ảnh minh họa

Các chuyên gia khuyến cáo khả năng ô nhiễm có thể gia tăng trong thời gian tới bởi thời điểm này, ở TP.HCM mới là giai đoạn đầu mùa khô.

Còn ở Hà Nội thời tiết sương mù lặng gió sẽ khiến bụi bẩn bị kìm giữ lại trong không khí, không thoát lên được. Tháng 11 vừa qua tại Hà Nội xuất hiện nhiều ngày có chỉ số AQI ở mức xấu - mức màu đỏ. Nếu so sánh với tháng 11/2019 có 5 ngày ở mức cảnh báo màu đỏ, thì năm nay, tính đến 21/11 đã có đến 11 ngày. Điều đó cho thấy ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng.

Theo diễn biến các năm trước, từ tháng 11 đến tháng 2 sẽ là cao điểm ô nhiễm không khí khi mức độ và tần suất xảy ra ô nhiễm cao hơn.

Ngoài nguyên nhân gây ô nhiễm vốn có là khí thải từ giao thông, các công trình xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh lại có thêm những điều kiện thời tiết bất lợi như trời lặng gió, sương mù, nghịch nhiệt hay thiếu bức xạ mặt trời sẽ khiến bụi mịn bị kìm giữ lại trong không khí, không khuếch tán được, làm tăng mức độ ô nhiễm.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN