Các bậc cha, mẹ cần ý thức được mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và học cách bảo vệ con em mình trước ô nhiễm không khí. Có nhiều biện pháp đơn giản, tốn kém ít chi phí có thể được thực hiện.
Ảnh minh họa: Báo sức khỏe đời sống
Ở các thành phố lớn, chúng ta vẫn thường nhận được cảnh báo về tình trạng chất lượng không khí hàng ngày ở mức độ kém, xấu, thậm chí là rất xấu với những cảnh báo như là: Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều bậc phụ huynh thờ ơ về vấn đề bảo vệ trẻ em trước ô nhiễm không khí.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, “chính không khí chúng ta hít thở đang bị ô nhiễm một cách nguy hiểm, cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khí ô nhiễm, khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí là nghiêm trọng – 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim là do ô nhiễm không khí”.
Ô nhiễm không khí có tác hại khủng khiếp đến sức khỏe của trẻ em, vì phổi của trẻ em vẫn đang trong quá trình phát triển và do chúng năng động hơn nên hít thở nhiều hơn và cũng có thời gian ở bên ngoài trời nhiều hơn so với người lớn.
Cũng theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí cả ở trong nhà và ngoài trời đã gây nên bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến 543.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2016. Theo nhiều nghiên cứu khác, ô nhiễm không khí gây ra những tổn thương không thể phục hồi ở phổi của trẻ em dẫn đến nhiều bệnh mãn tính về hô hấp. Ngoài ra, còn có nhiều tác động tiêu cực khác như ảnh hưởng đến phát triển của não, suy giảm miễn dịch, tự kỷ, chỉ số thông minh thấp hay chứng đột tử và còi xương.
Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần ý thức được mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và học cách bảo vệ trẻ em trước ô nhiễm không khí. Có nhiều biện pháp đơn giản, tốn kém ít chi phí có thể được thực hiện.
Ảnh minh họa: Báo Khoa học và Phát triển.
Tạo thói quen theo dõi thông tin về chất lượng không khí
Để bảo vệ trẻ em, trước hết chúng ta cần tạo ra thói quen kiểm tra thông tin về chất lượng không khí ở mọi nơi, cũng như việc chúng ta theo dõi thời tiết để mặc áo ấm cho trẻ vậy. Việc theo dõi thường xuyên sẽ giúp ta có kiến thức về ô nhiễm theo mùa, và theo thời gian trong ngày để bố trí lịch sinh hoạt, vui chơi, phù hợp cho trẻ. Cần kiểm soát thời gian vui chơi/đi lại ngoài trời của trẻ dựa theo chất lượng không khí. Vào những ngày chất lượng không khí ở mức độ thấp nên cho trẻ vui chơi trong nhà thay vì ngoài trời.
Theo dõi chất lượng không khí là cần thiết không chỉ ở ngoài trời mà cả trong nhà và trên xe ô tô. Vì rằng không khí ở khắp mọi nơi, việc nắm bắt thông tin về chất lượng không khí ngoài trời là cần thiết, nhưng chưa đủ để chúng ta đảm bảo con trẻ được hít thở không khí trong lành, hay chí ít là không quá tệ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng không khí trong ô tô có thể ô nhiễm hơn 25% so với ngoài trời.
Đeo khẩu trang thường xuyên
Việc đeo khẩu trang thường xuyên trong những ngày chất lượng không khí xấu sẽ giúp bảo vệ hệ hô hấp của trẻ. Các bậc cha, mẹ nên lựa chọn những khẩu trang chất lượng cao với màng lọc bảo vệ phù hợp với trẻ và tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài trời trong điều kiện chất lượng không khí kém. Tuy nhiên, cần lưu ý hạn chế vận động mạnh khi đeo khẩu trang. Đã có những báo cáo về trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe khi sử dụng khẩu trang trong lúc chơi đùa hoặc tập thể thao.
Kiểm soát chất lượng không khí trong nhà
Việc kiểm soát chất lượng không khí trong nhà là vô cùng cần thiết vì chúng ta hầu như không thể làm gì với chất lượng không khí bên ngoài nhưng có thể cải thiện chất lượng không khí bên trong ngôi nhà của mình.
Ngoài ra, không khí trong nhà dễ bị ô nhiễm hơn là ta tưởng. Nó đến từ việc nấu ăn, sử dụng chất tẩy rửa, sơn, nước xịt phòng, keo dán hay là thuốc lá. Sử dụng máy lọc không khí, quạt hút gió, thiết kế cửa sổ kín hơn là một vài cách thức có thể làm được. Tuy nhiên, trước hết là chúng ta phải biết chất lượng không khí ở trong nhà ở mức độ nào đã. Một số thiết bị đơn giản với chi phí hợp lý để theo dõi chất lượng không khí trong nhà là thiết bị cần thiết trong các gia đình ngày nay.
Ảnh minh họa: VnReview.
Sử dụng máy lọc không khí
Hít thở không khí sạch trong giấc ngủ sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong giai đoạn phát triển, hạn chế nhiều những tổn thương ở phổi khi ra ngoài trời ban ngày trong điều kiện chất lượng không khí kém. Nếu có điều kiện, hãy trang bị máy lọc không khí trong phòng ngủ của trẻ để đảm bảo rằng con trẻ được ngủ trong môi trường trong lành hơn. Trên thị trường có nhiều loại máy lọc không khí có giá thành tương đối phải chăng, phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều gia đình.
Ảnh minh họa.
Sử dụng cây cảnh làm máy lọc không khí tự nhiên
Theo nghiên cứu của NASA, một số loại cây tự nhiên có thể hấp thụ ô nhiễm hữu cơ trong nhà, giúp làm sạch không khí. Một số loại rất dễ trồng ở Việt Nam và có thể tìm mua không mấy khó khăn như: dương xỉ, thiết mộc lan, lô hội, phượng vĩ thảo hay cúc đồng tiền.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Có nhiều cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ được các bà mẹ áp dụng, từ việc ăn uống khoa học cho đến bổ sung vitamin hay thực phẩm chức năng đắt đỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ có thể được tiến hành không hề tốn kém, miễn là chúng ta lưu tâm và thực hiện thường xuyên hàng ngày. Đó là súc miệng bằng nước muối loãng và sử dụng nước mật ong. Súc miệng bằng nước muối sẽ giúp đường mũi họng của trẻ được sạch sẽ và uống nước mật ong hàng ngày giúp chúng phát triển khả năng miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
Duy trì hoạt động và thường xuyên tập thể dục
Nếu được, nên cho trẻ vận động thường xuyên ở những nơi chất lượng không khí tốt. Ví dụ như tập luyện, chơi đùa trong nhà thay vì ở ngoài trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo rằng nếu điều kiện trong nhà không cho phép thì việc tập thể dục ngoài trời dù chất lượng không khí bên ngoài kém vẫn tốt hơn là không tập thể dục.
Và cuối cùng, một việc dễ nhất chúng ta có thể làm ngay trong hôm nay để bảo vệ trẻ em trước ô nhiễm không khí: hãy giữ ngôi nhà của mình sạch sẽ nhất có thể. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, giữ không khí được lưu thông tốt, không hút thuốc, tránh ẩm mốc và rác thải. Điều đó sẽ giúp tạo ra môi trường không khí tốt hơn trong ngôi nhà của bạn. Lưu ý rằng, chúng ta không nên lạm dụng chất tẩy rửa để làm sạch ngôi nhà của mình. Lau dọn hàng ngày bằng nước sạch là đủ.