Thứ bảy, 18/01/2025 | 04:26
RSS

Không lẽ Hà Nội có thêm… ‘mùa ô nhiễm’?

Thứ hai, 14/12/2020, 16:11 (GMT+7)

Nhiều ngày qua, ô nhiễm không khí nhiều nơi luôn ở mức xấu, kéo dài. Đặc biệt là tại Hà Nội khi mà đã có 11/41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn. PV báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam về vấn đề này.

Không lẽ Hà Nội có thêm… ‘mùa ô nhiễm’?
TS Hoàng Dương Tùng. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang ở mức xấu. Nhiều người còn nói “Hà Nội có thêm một mùa nữa bên cạnh 4 mùa, đó là mùa ô nhiễm”. Vì sao vậy, thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng: Tình trạng trong mùa đông có nhiều ngày ô nhiễm hơn so với các mùa khác đã diễn ra nhiều năm. Lý do là nguồn thải không giảm, thậm chí còn tăng, trong khi điều kiện thời tiết mùa đông có nhiều ngày lặng gió, sương mù nhiều, làm cho không khí không bay ra xa, khuếch tán lên cao. Cho nên bụi và ô nhiễm cứ loanh quanh ở tầm thấp của mặt đất. Buổi đêm khi nồng độ ô nhiễm không khí lên cao, một số ngày xảy ra “nghịch nhiệt”, càng làm cho không khí, chất ô nhiễm đông đặc, tích tụ.

Tuy nhiên thời tiết chỉ là lý do, yếu tố tác động làm cho xấu thêm; còn nguyên nhân của ô nhiễm không khí là từ các nguồn thải như: Nguồn thải của sản xuất, khí thải của phương tiện giao thông. Đây là những cái nhiều năm nay chúng ta chưa kiểm soát được.

Còn tại miền Nam chất lượng không khí có khá hơn miền Bắc do điều kiện khí hậu thời tiết gió mạnh, nắng. Nhưng ở đâu đó cũng có một số ngày, một số nơi có ô nhiễm không khí.

Như TP HCM qua đo đạc quan trắc đã phát hiện một số nơi ô nhiễm. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ ô nhiễm như Bangkok, Thái Lan. Hiện Bangkok đang có các biện pháp để hạn chế giảm thiểu phương tiện xe cá nhân.

Thời gian qua chúng ta đã đưa ra các giải pháp để kiểm soát nguồn thải nhưng tại sao không giảm được tình trạng ô nhiễm không khí mà tình hình lại gia tăng trong những năm gần đây, thưa ông?

- Tại các thành phố lớn, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là từ các phương tiện giao thông. Hiện số lượng ô tô, xe máy cá nhân ngày càng tăng, trung bình ở TP HCM tăng 10,15%/ năm. Tuy nhiên chúng ta chưa kiểm soát chất lượng khí thải của xe máy. Ô tô có niên hạn, thời hạn đăng kiểm, kiểm tra khí thải, không đạt tiêu chuẩn không được lưu hành, thế nhưng xe máy chạy bao nhiêu năm cũng được, thải nhiều cũng không sao. Nguồn thải không kiểm soát được, trong khi phương tiện cá nhân gia tăng càng làm cho mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn tăng lên.

Ở châu Âu, họ kiểm soát khí thải theo tiêu chuẩn khí thải Euro, vậy theo ông có lẽ chúng ta cũng cần giảm và siết chặt lại các phương tiện giao thông cá nhân?

- Ô tô hay xe máy đều có tiêu chuẩn Euro. Chúng ta bắt đầu thực hiện từ năm 2019 với các lộ trình để tăng mức thực hiện tiêu chuẩn Euro lên.

Ở châu Âu lộ trình này đã áp dụng từ lâu, ví dụ phải đạt tiêu chuẩn Euro 5, 6, còn Euro 4 là không cho sử dụng nữa. Như ở Đức phải đạt chuẩn Euro 5.

Chưa kể, còn thiết lập vùng phát thải thấp, tức là chỉ cho phương tiện đạt chuẩn Euro 6, ô tô chạy điện thân thiện với môi trường hoạt động. Một số nơi không cho xe sử dụng nhiên liệu diezen lưu hành. Nhiều nước cũng đặt ra lộ trình đến năm 2035 cấm hẳn xe chạy xăng.

Cùng với đó là tăng cường các hệ thống giao thông công cộng, dùng phương tiện giao thông giảm thiểu ô nhiễm. Tất cả các lộ trình được công bố để người dân biết và chuẩn bị thực hiện. Còn tại Việt Nam hiện vẫn chưa có lộ trình gì cả, mới chỉ có một số thành phố thử nghiệm kiểm soát khí thải xe máy.

Ô nhiễm không khí liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Hiến pháp cũng nêu rõ người dân được sống trong môi trường trong lành, vậy chúng ta cần các biện pháp nào để tăng cường xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, thưa ông?

- Trong Hiến pháp đã hiến định người dân được quyền sống trong môi trường trong lành. Hiện nay ô nhiễm như thế đang ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Rõ ràng chính quyền các cấp cần có trách nhiệm trước vấn đề này.

Mấy năm qua chúng ta có triển khai một số biện pháp, có ban hành luật, các nghị định về kiểm soát nguồn thải, rồi Quyết định 985a của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó đã đưa ra một số chương trình hành động.

Tuy nhiên việc triển khai các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí không mấy hiệu quả. Tôi nói ví dụ kiểm soát khí thải xe máy, Thủ tướng cũng đã có quyết định nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được. Thanh tra xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại, việc thực thi pháp luật không nghiêm. Hay đốt rơm rạ, rác đã nói nhiều nhưng không kiểm soát dù chuyện đó đang diễn ra hàng ngày. Các làng nghề tua tủa xả ống khói, mọi người nhìn thấy cả nhưng tại sao nó vẫn cứ ngang nhiên? Tình trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp quyết liệt. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.

Như mấy hôm nay, ô nhiễm không khí rất ghê nhưng không thấy cơ quan nhà nước có khuyến cáo, cảnh báo gì cho người dân để phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe. Đây là việc rất lạ. Họ không biết hay không tin vào những kết quả quan trắc? Ở một số nước, nếu ở tình trạng ô nhiễm không khí như mấy ngày qua tại nước ta thì một số trường đã cho học sinh nghỉ.

Ví dụ tại Bangkok (Thái Lan) khi mức độ báo động ở mức tím là họ đã đóng cửa các trường học để bảo vệ sức khỏe của học sinh-đối tượng nhạy cảm dễ bị tổn hại sức khỏe. Chúng ta thì cứ im ắng, thế mới lạ. Chính quyền phải có trách nhiệm với cuộc sống, sức khỏe người dân. Mang lại sự an toàn ấm no hạnh phúc cho người dân mới là điều quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.VŨ (THỰC HIỆN)
Theo Đại Đoàn Kết