Thứ sáu, 26/04/2024 | 22:28
RSS

Hà Nội: Một tuần thêm 23 ca mắc sởi, diễn biến dịch khó lường

Thứ sáu, 25/01/2019, 07:54 (GMT+7)

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc sởi. Tuy chưa có ca biến chứng nguy hiểm hay tử vong song diễn biến dịch được nhận định đang rất khó lường.

Hà Nội: Một tuần thêm 23 ca mắc sởi, diễn biến dịch khó lường
Thêm 23 ca mắc sởi trong một tuần ở Hà Nội

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận tổng số 32 trường hợp mắc sởi. Số mắc đang có xu hướng gia tăng nhanh, tuần sau tăng hơn so với tuần trước. Tuy chưa có ca biến chứng nguy hiểm hay tử vong song diễn biến dịch được nhận định đang rất khó lường.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, với diễn biến của thời tiết hiện nay (mùa đông xuân) là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp như sởi, tay chân miệng ho gà... phát triển.

Đặc biệt, nhiều gia đình do chủ quan, lo ngại về các phản ứng sau tiêm chủng (nhất là vừa qua xảy ra một số trường hợp trẻ bị tai biến sau tiêm vaccine “5 trong 1” mới ComBE Five) nên không cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, chiến dịch tổ chức tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn Thành phố thời gian qua đã được triển khai rất tốt, kết quả tiêm đạt 94,85%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4 đơn vị có kết quả tiêm chưa đạt quy định gồm: Đống Đa (57,4%), Hoàng Mai (74,9%), Hoàn Kiếm (91,2%), Ba Đình (91,9%).

Đây là nguy cơ khiến các bệnh dịch có thể gia tăng trong thời gian tới, bởi những trường hợp chưa được tiêm phòng, chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi đều có thể bị mắc sởi.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện tiêm chủng vắc-xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Người dân cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
 
Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc-xin sởi cần được tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào. 

Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN