Hàng nghìn hộp sa tế bị phát hiện giả.
Trước đó, khoảng 15h30 ngày 22/1, tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Gia Lâm phối hợp với Đội An ninh nông nghiệp nông thôn, Phòng An ninh Kinh tế Công an TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra tại một cơ sở sản xuất thực phẩm tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Cơ sở này do Lý Thị Quy (33 tuổi), trú tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 18 công nhân đang vận hành máy móc và đóng gói các sản phẩm sa tế. Các sản phẩm này mang nhãn hiệu trên bao bì là sa tế Thuận Phát.
Khu xưởng sản xuất chế biến sa tế giả này khá lớn, các thùng, nồi đề chế biến sa tế không đảm bảo khép kín, sạch sẽ
Tại cơ quan Công an, bước đầu chủ cơ sở khai nhận, đã mua nguyên liệu về sản xuất sa tế giả nhãn hiệu Thuận Phát. Mỗi ngày, cơ sở ngày đóng gói được khoảng vài nghìn lọ. Các sản phẩm này sau đó được phân phối cho các kênh bán lẻ đưa vào nhà hàng tiêu thụ và mang đi các tỉnh lân cận Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 3.000 lọ sa tế thành phẩm, số lượng lớn sa tế đã qua chế biến đang chờ đóng hộp, hàng nghìn lọ, vỏ nhãn hiệu, máy đóng gói... Khu xưởng sản xuất chế biến sa tế giả này khá lớn, các thùng, nồi để chế biến sa tế không đảm bảo khép kín, sạch sẽ. Các công nhân chủ yếu là người tỉnh ngoài được thuê làm việc.
Sa tế giả đưa vào các nhà hàng tiêu thụ
Nhiều nguy hiểm rình rập sau mỗi lọ sa tế không đảm bảo chất lượng
Sa tế là gia vị không thể thiếu trong món lẩu được ưa thích trong mùa đông của nhiều gia đình. Tuy nhiên, loại gia vị này có thể rất độc hại nếu không được chế biến đúng cách.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học thực phẩm: Sa tế kém chất lượng rất độc hại vì loại sa tế này dễ có mầm bệnh. Về cảm quan, sa tế có màu đỏ khi cho phụ gia khác có thể biến màu, biến chất gây độc hại cho cơ thể. Nếu sử dụng lâu dài, hóa chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra bệnh mãn tính như tổn thương gan, thận dễ dẫn đến ung thư Với những người cơ địa yếu, gan kém, sự đào thải qua gan kém có thể gây nên ngộ độc cấp tính.
TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, người tiêu dùng hãy thận trọng khi lựa chọn phụ gia thực phẩm. Chỉ nên chọn những loại phụ gia đã có về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Để tránh mua phải sa tế bẩn, nên chọn loại có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và dùng đúng hạn sử dụng.Nắp hũ đã mở quá 1 tháng thì không nên sử dụng. Nếu mở hũ sa tế thấy có mùi khó chịu, màu sắc sẫm, không tươi thì không nên dùng.