Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:25
RSS

Giáo viên dạy chương trình mới: Chủ động khắc phục khó khăn

Thứ hai, 02/05/2022, 08:36 (GMT+7)

Chuẩn bị dạy môn Nghệ thuật lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 (CTGDPT mới), nhiều trường THPT đã lên kế hoạch, kịch bản, chuẩn bị các giải pháp trong tình thế có thể thiếu giáo viên.

Giáo viên dạy chương trình mới, chủ động khắc phục khó khăn

Giáo viên Trường THCS thị trấn Thới Lai dạy nhạc cho học sinh.

Trong đó, không ít trường chủ động, linh hoạt liên kết với các cơ sở giáo dục bên ngoài nhằm bảo đảm tiến độ năm học.

Chưa có giáo viên

Theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) được đưa vào dạy ở  lớp 10 kể từ năm học 2022 - 2023. Trước đây, môn Nghệ thuật chỉ dạy ở bậc tiểu học và THCS. Do lần đầu triển khai nên nhiều trường THPT gặp một số khó khăn nhất định.

Thầy Phùng Kim Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng) cho biết: Nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc, mỹ thuật. “Quan điểm của nhà trường là khi học sinh lựa chọn các chuyên đề này thì phải tôn trọng quyền được học của các em. Khó khăn đầu tiên đối với nhà trường là tìm kiếm giáo viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của chương trình để giảng dạy. Trước mắt trường sẽ tìm nguồn giáo viên phù hợp từ các trường cao đẳng, THCS trên địa bàn tỉnh để hợp đồng thỉnh giảng...” - thầy Phùng Kim Phú chia sẻ.

Tương tự, Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) hiện chưa có giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật, phòng chức năng dạy học môn này cũng chưa có. Theo thầy Phạm Đức Quyền, Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu tính phương án ký hợp đồng với giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc nếu học sinh có nguyện vọng, đề xuất đầu tư thêm trang thiết bị để phục vụ CTGDPT 2018 mới.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) chia sẻ, trường chưa có giáo viên dạy môn Nghệ thuật lớp 10 theo CTGDPT mới.

“Trường dự tính triển khai dạy môn Mỹ thuật trước, năm sau dạy tiếp môn Âm nhạc. Hiện chúng tôi chờ học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 đăng ký như thế nào rồi có giải pháp phù hợp. Liên quan đến giáo viên thì cơ bản sẽ áp dụng theo hình thức thỉnh giảng từ nguồn các trường nghệ thuật và giáo viên dạy môn này ở bậc tiểu học, THCS…” - cô Vũ Thị Ngọc Dung thông tin.

Do không có giáo viên nên Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) chưa triển khai dạy môn Nghệ thuật trong năm học tới. “Nhà trường sẽ tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 10 lựa chọn những tổ hợp môn phù hợp với điều kiện hiện tại…”, thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Giáo viên dạy chương trình mới, chủ động khắc phục khó khăn

Học sinh Trường THCS Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều trong buổi học âm nhạc.

Tận dụng nguồn lực sẵn có

Cùng thực trạng chung, ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước cho biết: “Giải pháp trước mắt sẽ tổ chức tuyển dụng giáo viên mới và hợp đồng thỉnh giảng với các giáo viên có chuyên môn phù hợp trên địa bàn…”.

Trong khi đó, ngành GD-ĐT TP Cần Thơ đã tổ chức rà soát, thống kê các giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật tại các trường THCS đủ điều kiện đáp ứng chương trình mới, lập danh sách gửi về các trường THPT để tham gia hỗ trợ chọn sách hoặc giảng dạy khi có nhu cầu. Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với ngành chức năng rà soát các nghệ nhân văn hóa, nghệ thuật tại địa phương đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu CTGDPT 2018 lớp 10 mới để tham gia giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn.

“Ngoài ra, sở cũng yêu cầu phòng GD&ĐT các quận huyện, trường THCS trên địa bàn thành phố hỗ trợ trang thiết bị sẵn có, dụng cụ, phòng học âm nhạc… cho các trường THPT. Đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên âm nhạc, mỹ thuật tham gia giảng dạy chương trình mới khi có nhu cầu…” - ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho hay.

Trong năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, nếu có học sinh lựa chọn môn Âm nhạc và Mỹ thuật, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) sẽ ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên. Trước mắt, nhà trường phối hợp với các trường THCS trên địa bàn quận, hỗ trợ một số giáo viên bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật để tham gia chọn sách và giảng dạy môn học này trong năm học 2022 - 2023.

“Bên cạnh đó, trường cũng đã thực hiện tổng rà soát và báo cáo tình trạng trang thiết bị tối thiểu phục vụ dạy lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018  để Sở GD&ĐT hỗ trợ cấp thiết bị bổ sung. Tuy nhiên, trong thời gian đầu năm học mới chưa kịp đầu tư phòng chức năng âm nhạc và mỹ thuật, nhà trường sẽ nhờ phòng GD&ĐT quận hỗ trợ cho mượn trang thiết bị từ các trường THCS trên địa bàn quận…”, thầy Hiệu trưởng Lâm Đức Thành cho hay.

Ở khía cạnh khác, cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) chia sẻ, hiện tại chưa biết học sinh lớp 10 đăng ký tổ hợp môn học như thế nào, nếu tuyển riêng hai giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc sẽ rất tốn kém và khó tuyển. Tuy nhiên, để trả thù lao giảng dạy, nhà trường cũng phải linh hoạt tìm nguồn kinh phí phù hợp. Vì đây là lực lượng giảng dạy ngoài biên chế nên không dùng nguồn kinh phí từ ngân sách được.

“Môn Nghệ thuật mới lần đầu áp dụng cho khối THPT nên trường cũng phải thận trọng vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nếu tỷ lệ học sinh chọn Nghệ thuật ít mà tuyển 2 giáo viên thì không ổn, trong khi đó các mảng khác việc nhiều nên cần sử dụng đến biên chế hơn” - cô Dung  chia sẻ thêm.

Đối với các trường THPT theo mô hình tiên tiến, việc triển khai dạy môn Nghệ thuật theo CTGDPT mới thuận lợi hơn. Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) cho biết, việc dạy môn Nghệ thuật cho lớp 10 sắp tới không khó. Bởi nhà trường có chủ trương đưa âm nhạc và mỹ thuật vào dạy cho học sinh từ lâu.

 

Trường Tiến - Như Ý
Theo Giáo dục & Thời đại