Chủ nhật, 24/11/2024 | 09:11
RSS

Giáo dục vùng lũ: Điều chỉnh giảm tải phù hợp

Thứ tư, 04/11/2020, 06:09 (GMT+7)

Căn cứ khung thời gian năm học cùng với thời gian thực tế học sinh đã nghỉ, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cho phù hợp.

Đó là thông tin ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GDĐT cho biết về phương án dạy học sau đợt thiên tai vừa qua ở một số tỉnh miền Trung.

Giáo dục vùng lũ: Điều chỉnh giảm tải phù hợp

Những phòng học bị tốc mái.

Đến thời điểm này, các trường cũng như người dân địa phương, các lực lượng hỗ trợ gồm bộ đội, cảnh sát cơ động…đang khẩn trương dọn dẹp, sửa chữa và khắc phục cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại lớp học tập.

Sáng nay, 3/11 dự kiến thầy và trò ở Trường Tiểu học số 1 Bình Hải, tỉnh Quảng Ngãi, điểm trường Thanh Thủy sẽ trở lại trường để học tập. 5 lớp học với tổng cộng 150 học sinh sẽ tiếp tục với bảng đen, phấn trắng. Trước đó, nhiều chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn CSCĐ Nam Trung Bộ đã đến trường để sửa chữa mái tôn bị tốc. Giáo viên và nhiều phụ huynh của trường cũng đến dọn dẹp và sửa chữa phần nào những đồ đạc bị hư hỏng…

Nhưng còn nhiều trường, điểm trường khác vẫn chưa thể bắt đầu lại công tác giảng dạy và học tập do sau khi nước rút, toàn bộ cơ sở vật chất của trường bị hư hỏng quá nặng. Đơn cử như Trường THCS An Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) sau 3 cơn lũ lớn ập đến trong 2 tuần qua đã trở nên tan hoang. Các phòng học đầy bùn đất, bàn ghế và thiết bị giảng dạy hư hỏng hoàn toàn. Hiện địa phương đang tích cực huy động các lực lượng để thu dọn và bổ sung bàn ghế, trang thiết bị tối thiểu cho nhà trường giảng dạy… nhưng trong một thời gian ngắn, các nhà trường chưa thể bố trí lại được lớp học với bàn ghế, sách vở…

Tại huyện Thanh Chương, vùng bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gây ra tại Nghệ An, hiện nước lũ vẫn chưa rút hết ở nhiều nơi. Nhiều trường vẫn đang ngập bùn đất, rác thải trong sân và ngoài cổng. Đường vào trường cũng ngập sâu trong nước nên nhiều trường ở huyện Đô Lương cũng chưa tổ chức cho học sinh đi học trở lại vì có nguy cơ gây nguy hiểm cho học sinh tới trường. Theo thống kê của Sở GDĐT Nghệ An, có 134 trường trong tỉnh vẫn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, chưa thể cho học sinh đi học trở lại.

Với việc “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, học sinh nhiều tỉnh miền Trung đã nghỉ học hơn 24 ngày. Theo khung chương trình năm học Bộ GDĐT ban hành, quỹ thời gian dự phòng của các trường là 2 tuần. Như vậy, sắp tới các trường sẽ phải xây dựng phương án dạy bù trong năm học để hoàn thành chương trình.

Ông Thành cho biết, theo thông tin báo cáo về Bộ GDĐT, Sở GDĐT Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch giảng dạy. Theo đó, địa phương này điều chỉnh thời gian kiểm tra học kỳ 1 từ tuần 13 dịch chuyển sang tuần 15 và điều chỉnh một số nội dung từ học kỳ 1 sang học kỳ 2 nhằm đảm bảo khi học sinh đến trường trở lại không bị quá tải việc tiếp thu kiến thức.

Với Đà Nẵng, Sở GDĐT cũng chủ động điều chỉnh thời gian dạy học để đảm bảo khi học sinh trở lại trường được bố trí lịch học bù một cách phù hợp.

Tại Quảng Ngãi, nhiều trường học cũng có kế hoạch bố trí chuyển sang học 2 ca để đảm bảo thời lượng dạy học cho học sinh học bù chương trình. Ông Cao Bá Thành, Trưởng phòng Phòng GDĐT huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đối với những trường bị tốc mái, hư hỏng nặng, trước mắt, có thể sử dụng các phòng học chức năng để kê bàn ghế làm phòng học. Với những điểm trường lẻ bị tốc mái, ngập lụt, trong thời gian chờ xin kinh phí để sửa chữa, sẽ chuyển học sinh về học ở điểm trường chính để đảm bảo khung thời gian năm học. Trường Tiểu học Hành Thiện sẽ phải dồn học sinh về một cơ sở do cơ sở còn lại hư hỏng quá nặng, chưa khắc phục kịp. Các trường học ở Nghĩa Hành sẽ phải vừa tổ chức dạy học vừa sửa chữa, tu bổ trường lớp. Các hoạt động ngoại khóa, dạy phụ đạo… sẽ tạm thời dừng cho đến khi nhà trường khắc phục xong các dãy phòng học.

Ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ngãi cũng nhấn mạnh, trước mắt, đơn vị nào thiếu phòng học sẽ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nếu khó khăn quá về phòng học thì ưu tiên cho HS lớp 12 học trước.

Như vậy, phương án chung là các địa phương chỉ đạo các trường linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch giảng dạy cho thầy và trò trong điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi đón học sinh quay trở lại trường học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, chương trình giáo dục hiện hành được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày, do đó, các trường vẫn có thời gian 1 buổi trong ngày để dạy bù. Tuy nhiên, địa phương phải sắp xếp kế hoạch dạy bù, giảm tải phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ.

“Các trường cần vận dụng chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ trong lớp học mà có thể thực hiện cả ngoài giờ lên lớp, trong phòng thí nghiệm, làm dự án học tập; tổ chức dạy học trực tuyến như thời kỳ nghỉ học do dịch Covid-19”- ông Thành cho biết thêm. 

Theo báo cáo nhanh của Cục Cơ sở vật chất, Bộ GDĐT, đợt bão lũ trong tháng 10 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng... khiến ngành giáo dục địa phương bị thiệt hại nặng về trường lớp, sách vở. Ước tính tổng thiệt hại của 8 tỉnh miền Trung hiện lên đến hơn 600 tỷ đồng, hàng triệu bộ sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng và 13 học sinh, cán bộ quản lý bị thiệt mạng.

Hàn Minh
Theo Đại đoàn Kết