Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:46
RSS

Bị "tố" sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi nói gì?

Thứ ba, 03/11/2020, 14:28 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.HCM) khẳng định những rau củ quả dập nát, héo úa mà phụ huynh chụp là phần đã bị loại ra, không được sử dụng để nấu ăn.

Sự kiện:
TP.HCM

Bị tố sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi nói gì?

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương (bên phải) và Trưởng phòng GDĐT quận 9 gặp gỡ báo chí sáng 3/11.

Trao đổi với phóng viên sáng 3/11, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi cho biết bữa ăn bán trú cho học sinh được một đơn vị bếp ăn ký hợp đồng nấu tại trường. Toàn bộ thực phẩm do đơn vị này ký kết với nhiều nhà cung cấp khác phụ trách, có giấy tờ ký kết về thông tin nguồn gốc thực phẩm, nhà trường có trách nhiệm tiếp phẩm. "Trong quá trình kiểm tra, nếu chúng tôi thấy thực phẩm nào không đạt, chúng tôi sẽ yêu cầu đổi. Một là phía cung cấp phải ra siêu thị mua thực phẩm thay thế, hai là bỏ luôn món đó trong ngày hôm đó...", bà Hương nói.

Sáng 2/11, khi tiếp phẩm, nhà trường đã làm biên bản trả lại đơn vị cung cấp 4kg cải thảo, 1,5kg cà rốt bị hư hỏng không sử dụng được. Những hình ảnh phụ huynh chụp rau cải thảo và cà rốt lan truyền trên mạng xã hội là số rau củ quả nhà trường loại ra để trả đơn vị cung cấp, không dùng để nấu ăn cho trẻ. Tuy nhiên, bà Hương cũng thừa nhận, ngày 2/11 không có đại diện ban giám hiệu nhà trường kiểm tra việc tiếp nhận thực phẩm.

Trái ngược với giải thích của hiệu trưởng, theo các phụ huynh, những người trực tiếp kiểm tra thực phẩm sáng 2/11, số rau củ héo, hư hỏng đó do phụ huynh loại ra để bỏ thùng rác, không phải trường đổ bỏ. Họ nghi ngờ những ngày trước đó, khi phụ huynh không được kiểm tra, những thực phẩm trường nấu cho trẻ có đảm bảo chất lượng hay không.

Bị tố sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi nói gì?

Thực đơn của trẻ được trường ghi trên bảng công khai.

Về vấn đề giò sống có giá rẻ hơn thị trường, hiệu trưởng giải thích nguồn gốc và nguyên liệu đều đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bà Hương cho biết gọi là giò, nhưng phần thịt heo không nhiều, ngoài ra còn có ức gà và thực phẩm khác. "Theo tôi biết, đơn vị cung cấp giò sống có thương hiệu và sản xuất dây chuyền, không phải hàng trôi nổi. Như vậy, nếu phụ huynh không yên tâm, bếp ăn sẽ đổi nhà cung cấp khác", bà Hương nhấn mạnh.

Về các loại nước tương, nước mắm, dầu ăn… được phản ánh không nhãn mác, đựng trong can nhựa, nhà trường cho biết các can đựng này đều có nhãn mác, nhưng các nhãn mác này chỉ dán một bên. Trong khi phụ huynh chụp hình lại chụp phía không dán mác. Tuy nhiên, theo yêu cầu của phụ huynh, sáng nay, nhà trường đã đổi một loạt nhà cung cấp thực phẩm.

Theo lãnh đạo Phòng giáo dục Đào tạo (GDĐT) quận 9, từ khi khai giảng đến nay, đã 7 lần phụ huynh vào giám sát việc cung cấp thực phẩm, nấu ăn cho trẻ và đã có những kiến nghị như đổi loại gạo, thêm rau…, nhà trường đều tiếp thu. Tuy nhiên, trường đã không thực hiện đúng theo thực đơn dinh dưỡng chuẩn của ngành giáo dục. Đây là vấn đề mà nhà trường phải khắc phục ngay.

Bà Hương cho biết sau sự cố này, trường sẽ công khai số lượng thực phẩm nhập hàng ngày, cung cấp cho phụ huynh hình ảnh suất ăn của trẻ mỗi ngày. Đồng thời, trường sẽ tìm giải pháp để củng cố lòng tin của phụ huynh như có thể xem xét phương án cho phụ huynh vào cùng ăn trưa với trẻ.

Bạch Dương
Theo Dân Việt