Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:08
RSS

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá chuẩn 'đầu ra' của học sinh sau 12 năm

Thứ ba, 03/11/2020, 10:29 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Bộ cũng sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh sau 12 năm

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ giữ cơ bản như năm 2020. Ảnh minh họa: Q.Anh

Thi tốt nghiệp sẽ giữ ổn định như năm 2020

Tại Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục toàn quốc năm 2020, Bộ GD&ĐT đã công bố về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ GD&ĐT đánh giá, kỳ thi được tổ chức thành công, đáp ứng được mục tiêu kép là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng. Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, bảo đảm vừa sức, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Đánh giá quá trình qua 6 năm đổi mới kỳ thi THPT (từ 2015 - 2020), Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm "Học gì thi nấy". Công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh không phải lên các thành phố lớn dự thi nhiều đợt, thay vào đó chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội. Việc tổ chức bài thi trắc nghiệm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi đã làm giảm đáng kể sự can thiệp của con người vào kết quả thi, tạo sự minh bạch, công bằng, giúp các trường đại học, cao đẳng yên tâm khi sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT nêu rõ, từ những kết quả đã đạt được, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 xác định cơ bản sẽ được giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD&ĐT tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, phong phú, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Bên cạnh việc tổ chức thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng xác định phương thức tuyển sinh đại học cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, trong đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Kỳ thi là cơ sở đánh giá chất lượng học sinh

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2020 - 2021. Trong đó, đáng chú ý là thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2020. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sẽ tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá phẩm chất và năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2020 nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và Sở GD&ĐT đối với các Hội đồng thi. Thực hiện tốt công tác phối hợp chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương. Bên cạnh đó, chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Chuẩn bị ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn phục vụ ra đề thi tốt nghiệp THPT. Từng bước chuẩn bị các điều kiện để hướng tới có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính tại những nơi có đủ điều kiện.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn phải giữ để làm cơ sở đánh giá học sinh, làm căn cứ cho các trường đại học tuyển sinh nếu có nhu cầu, bên cạnh đó, học sinh cũng nghiêm túc học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Tuy nhiên, qua mỗi kỳ thi đều có sự đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp, nhất là khâu bảo mật đề thi, chấm thi, đặc biệt là giám sát việc tổ chức thực hiện các khâu của kỳ thi tại các địa phương. Quy trình do con người tạo ra, nên cũng sẽ có kẽ hở, vì vậy phải tăng cường giám sát để đảm bảo khách quan, công bằng trong thi cử".

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước năm 2020 đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức 5 bài thi, bao gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (bắt buộc) và thí sinh được chọn một trong hai tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân).

Quang Anh
Theo Gia Đình & Xã Hội