Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:28
RSS

Dừng tổ chức thu tiền bản quyền âm nhạc khi mở ti vi trong khách sạn

Thứ bảy, 27/05/2017, 17:17 (GMT+7)

Ngày 26/5, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) đã yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các khách sạn có ti vi.

Hai cuộc họp liên tiếp diễn ra vào ngày 25 và 26/5 xung quanh việc chi nhánh phía nam của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) ban hành Văn bản số 177/CV-BVQTGANVN-PN ngày 26/4.

Theo văn bản này, trung tâm đề nghị các khách sạn tại TP. Đà Nẵng thực hiện nghĩa vụ trả tiền quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Nếu như cuộc họp ngày 25/5 có sự tham gia trao đổi ý kiến từ thực tế của báo chí thì cuộc họp sáng 26/5 chỉ còn là buổi làm việc giữa Cục Bản quyền và VCPMC.

Tại cuộc họp sáng 26/5, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền, đã chính thức yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của VCPMC và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng.

Trên cơ sở xác định này, VCPMC phải tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật báo cáo Bộ VH-TT-DL theo quy định tại khoản 4 điều 41 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2011/NĐ-CP.

Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, việc tổ chức thu tiền quyền tác giả tại phòng nghỉ khách sạn mới có thể được thực hiện.

Mỗi phòng khách sạn có ti vi được yêu cầu đóng phí tác quyền bài hát 25.000 đồng/năm

VCPMC không cho mặc cả

Theo Văn bản 177, VCPMC đã đơn phương đưa ra mức giá 25.000 đồng/phòng/năm với các phòng khách sạn từ 2 - 5 sao có ti vi. Tại cuộc họp ngày 25/5, họ cũng cho biết việc đàm phán với đối tác diễn ra sẽ trên nguyên tắc không thay đổi giá này, vì đó là giá do tập thể quyền đã bàn bạc và cùng đưa ra.

Cũng theo đơn vị này, trong trường hợp không thể thỏa thuận được giá cả, trung tâm sẽ báo với Thanh tra Bộ VH-TT-DL để vào cuộc. “Thanh tra sẽ áp dụng Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan”, ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc khu vực phía bắc của VCPMC, nói.

Mặc dù vậy, cũng tại cuộc họp hôm 25.5, VCPMC không giải thích hợp lý được việc tại sao đề nghị thu tiền phòng có ti vi hiện đang áp giá đồng hạng cho mọi khách sạn từ 2 - 5 sao. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh cũng như lợi nhuận thu được từ các phòng khách sạn này không giống nhau. Về việc thu tiền “cào bằng” này, ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho rằng: “Với chúng tôi, không thể cụ thể được thì phải khái quát”.

Cũng phải nói thêm, theo văn bản mà VCPMC gửi cho doanh nghiệp Đà Nẵng, việc phân biệt khách sạn 2 sao và 5 sao lại có ở phần phí bản quyền với loại hình biểu diễn. Theo đó, khách sạn 4, 5 sao phải trả 1,2 triệu đồng/chương trình biểu diễn/lượt biểu diễn còn khách sạn 3 sao trở xuống chỉ phải trả 400.000 đồng.

Về việc cương quyết áp giá cứng này, Cục trưởng Cục Bản quyền cho rằng: “Nguyên tắc hội viên quyết định giá chưa đủ. Không chắc nguyện vọng hội viên đã phù hợp thực tế...

Quan trọng của tổ chức là minh bạch chứ không phải thu bao nhiêu. Phải cân nhắc lợi ích của cả 3 đối tượng là tác giả hưởng quyền, bên khai thác sử dụng và đặc biệt là không vì không thỏa thuận được mà công chúng không được nghe”.

Ông Hùng cũng cho biết: “Đây là tài sản dân sự thì tác giả hoặc chủ sở hữu quyền hoặc đơn vị được ủy quyền xây dựng mức giá và đàm phán với bên sử dụng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì khởi kiện tại tòa án. Khi ra tòa thì tòa án mới quyết định mức giá đưa ra đó có phải là mức giá đúng hay không”.

Khả năng thu nhầm tiền cao

Hiện tại, không phải nhạc sĩ VN nào cũng ủy quyền thu tiền cho VCPMC. Nhạc sĩ Phú Quang nằm trong số không nhờ VCPMC thu hộ tác quyền. Tuy nhiên, các tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang hiện vẫn được khai thác trên truyền hình.

Với các tác phẩm âm nhạc nước ngoài, VCPMC cũng chưa có thỏa thuận song phương về hỗ trợ thu tác quyền với tất cả tác phẩm âm nhạc của mọi nước trên thế giới Như vậy, nếu việc thu tiền tác quyền âm nhạc thành cả gói như VCPMC đưa ra cũng sẽ khiến phát sinh việc thu nhầm.

“VCPMC chỉ được thu hộ tiền cho hội viên của họ. Thu không đúng hội viên, không đúng tài sản thì sai”, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền, nói ngày 25/5.

Ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh việc không thể dùng Nghị định 131 để xử lý đối tác như ý kiến của VCPMC. “Người ta không phải không trả mà đưa Nghị định 131 vào đây. Mà đây là việc thỏa thuận với đối tác”, ông Hùng nói.

Ông cũng đề nghị VCPMC thực hiện quy trình tống đạt công văn, thỏa thuận với đối tác. Điều đó có nghĩa là quan điểm về việc Thanh tra Bộ VH-TT-DL sẽ phạt đơn vị chưa đóng tiền theo ý của VCPMC không đúng với quy định của pháp luật.

Trên cơ sở pháp luật cũng như các vấn đề đặt ra từ thực tế, tại cuộc họp ngày 26.5, ông Bùi Nguyên Hùng cho rằng việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả tác phẩm âm nhạc của VCPMC đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế

Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật, ông Hùng đề nghị VCPMC phải thực hiện đúng quy trình và lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm.

VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên mình khi được khai thác, sử dụng tại khách sạn.

Trước đó, VCPMC cho biết đã thu khoản tiền này tại Hà Nội và TP.HCM tuy không đưa ra được số tiền cụ thể.

Về phần mình, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết VCPMC chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Cục Bản quyền tác giả.

Trinh Nguyễn
Theo Thanh Niên