Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:19
RSS

Đối tượng nào dễ bị đột quỵ, xử lý thế nào cho an toàn?

Chủ nhật, 27/12/2020, 06:20 (GMT+7)

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho rằng, các phương pháp chữa trị bệnh nhân đột quỵ chỉ có hiệu quả nếu bệnh nhân được nhận biết và chẩn đoán trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.

Bệnh đột quỵ thường xảy đến bất ngờ và để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Với mong muốn nhiều người hiểu biết để tự dự phòng căn bệnh rất đường đột nhưng vô cùng nguy hiểm này, bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mới đây đã chia sẻ những dấu hiệu nhận biết sớm để có thể xử lý kịp thời bệnh đột quỵ, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ sớm

Theo hiệp hội đột quỵ Mỹ khi người đối diện xuất hiện những dấu hiệu của chữ viết tắt “FAST - Dấu hiệu phát hiện nhanh” thì khi đó cần phản xạ nghĩ ngay đến đột quỵ và thái độ xử trí như bệnh nhân đột quỵ vì các phương pháp chữa trị chỉ có hiệu quả nhất nếu bệnh nhân được nhận biết và chẩn đoán trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.

Đối tượng nào dễ bị đột quỵ, xử lý thế nào cho an toàn

Người bệnh có dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt. Ảnh: Healthy Life

“FAST - Dấu hiệu phát hiện nhanh” bệnh nhân đột quỵ bao gồm: 

F: Face drooping-xệ khuôn mặt: Anh chị yêu cầu người đó cười, 1 bên mặt bị xệ xuống ko cân đối hoặc méo miệng, lệch nhân trung.

A: Arm weakness- yếu cánh tay: Anh chị yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên cao, một cánh tay xệ xuống dưới, bệnh nhân không nâng lên được hoặc tê yếu cả nửa người, thử lực nắm bàn tay bằng cách bắt tay cả 2 bên sẽ cảm nhận 1 bên yếu hơn.

S: Speech difficulty-nói khó: Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản nhưng bệnh nhân nói lại rất khó hoặc chậm chạp, không rõ từ.

T: Time to call 115-Gọi ngay 115: Khi ai đó đột ngột có 3 dấu hiệu trên, hãy gọi ngay cấp cứu. 

Đối tượng nào dễ bị đột quỵ, xử lý thế nào cho an toàn

Ảnh minh họa

Ai và lúc nào dễ bị đột quỵ?

Đột quỵ thường xảy ra nhiều hơn vào quãng thời tiết chuyển mùa, giáng sinh, năm mới, mùa đông. Vào những thời điểm này, khi người đối diện có những dấu hiệu nghi ngờ như trên, hãy nghĩ đến đột quỵ và gọi cấp cứu sớm nhất.

Đột quỵ thường xảy ra ở những thời điểm như sau khi tắm xong, sau tiệc rượu ra ngoài trời lạnh, đi ngoài nắng nóng bước vào phòng lạnh, sau một động tác gắng sức như bê vật nặng, ho, hắt hơi... hoặc sau khi nhận một tin sốc... 

Đột quỵ thường xảy ra ở nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người cao huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, béo phì, lười vận động, sau phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật vùng ổ bụng-sàn chậu…

Cách xử lý khi gặp bệnh nhân đột quỵ

Gọi ngay 115 là việc làm đầu tiên.

Nhìn đồng hồ để ghi nhớ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên và theo dõi sát những biến chuyển triệu chứng của bệnh nhân.

Động viên bệnh nhân bình tĩnh tránh lo lắng kích thích, nằm chỗ yên tĩnh, cởi bớt áo quần, đồng hồ, dây đeo, nhẫn…

Nếu bệnh nhan hôn mê, cần đặt bệnh nhân ở tư thế ‘Nằm nghiêng an toàn” để tránh lưỡi tụt vào trong hoặc trào ngược thức ăn vào đường thở. Tiến hành hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân ngừng thở. 

Đối tượng nào dễ bị đột quỵ, xử lý thế nào cho an toàn

Tư thế “nằm nghiêng an toàn” khi bệnh nhân hôn mê

Thời gian tốt nhất để cứu chữa bệnh nhân là 6 tiếng từ khi có triệu chứng, đặc biệt là 3 giờ vàng đầu tiên, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.

Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn và uống bất cứ thứ gì từ lúc nghi ngờ bị đột quỵ.

Tuyệt đối không tự ý để ở nhà chữa trị mà làm chậm trễ mất quá trình cứu chữa như trích rạch máu 10 đầu ngón tay, cạo gió, xoa dầu hoặc tự ý dùng thuốc hạ áp, thuốc gia truyền, thuốc làm tan cục máu vì đột quỵ có hai thể là chảy máu và nhồi máu tắc mạch.

Nếu bệnh nhân bị thể chảy máu, việc dùng thuốc làm tan máu sẽ càng làm tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn. Còn nếu bệnh bị nhồi máu, dùng hạ áp lại càng làm giảm lượng tưới máu đến nhu mão não đang thiếu máu dẫn đến tình trạng tế bào não càng chết nhanh hơn. Chúng ta chỉ có thể xác định được đột quỵ thể nào sau khi đã chụp cắt lớp/cộng hưởng từ sọ não, lúc đó mới đưa ra được phác đồ dùng thuốc phù hợp thương tổn.

Thu Chang
Theo GĐVN