Cố nghệ sĩ Chí Tài từng chia sẻ việc tham gia thử thách đo nguy cơ đột quỵ trước khi qua đời 2 ngày
Sau thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vào ngày 9/12 vì đột quỵ, một clip quảng cáo về thử thách đo nguy cơ đột quỵ mà danh hài thực hiện trước đó 2 ngày (6/12) nhanh chóng lan truyền trên mạng.
Cụ thể, cố nghệ sĩ thực hiện thử thách "đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt để đo nguy cơ đột quỵ" cùng diễn viên Đại Nghĩa. Trong khi Đại Nghĩa vượt qua 20 giây thì nghệ sĩ Chí Tài chỉ giữ thăng bằng được trong vòng 4-7 giây.
"Tại sao Đại Nghĩa làm dễ được mà mình làm không được… Bác sĩ nói nếu mà đứng một chân không tới 20 giây thì tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Mình không thể bị đột quỵ, mình phải khỏe, phải hơn Đại Nghĩa…", nam danh hài tỏ ra khá bức bối khi thực hiện thử thách này thất bại.
Động tác "đứng một chân" tưởng như chỉ đơn giản là để giữ thăng bằng nhưng lại chính là một loại "thước đo" tình trạng sức khỏe được sự đánh giá cao của cả chuyên gia Đông y lẫn Tây y và còn được công nhận là phương pháp kiểm tra nguy cơ mắc đột quỵ chính xác nhất.
Thử thách này có thể bắt nguồn từ một nghiên cứu tại Nhật trước đó. Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke vào năm 2014, có sự tham gia của 841 phụ nữ và 546 nam giới, độ tuổi trung bình là 67. Để đo thời gian đứng bằng một chân, những người tham gia đứng mở mắt và nâng một chân lên.
Những người tham gia đã thực hiện kiểm tra này 2 lần, lần nào trụ được lâu hơn sẽ được lấy làm dữ liệu nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu phát hiện việc không có khả năng giữ thăng bằng trên một chân lâu hơn 20 giây có liên quan đến bệnh vi xuất huyết ở não.
Cụ thể, 34,5% những người có 2 tổn thương nhồi máu não lỗ khuyết gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng; 16% những người có 1 tổn thương nhồi máu não lỗ khuyết gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng; 30% những người có hơn 2 tổn thương vi xuất huyết gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng; 15,3% những người có 1 tổn thương vi xuất huyết gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng.
Không hề dễ dàng khi thực hiện động tác "nhắm mắt, co một chân".
Nhìn chung, những người bị bệnh não thường lớn tuổi, huyết áp cao và có động mạch cảnh dày hơn. Bệnh vi xuất huyết thường tăng theo tuổi. Khi đó, người bệnh mất khả năng phối hợp vận động, bao gồm thăng bằng, cũng như suy giảm nhận thức được cho là biểu hiện của tổn thương não cận lâm sàng.
Tabara và các đồng nghiệp cũng tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc khó đứng bằng một chân và tuổi tác tăng cao. Thời gian đứng bằng một chân ngắn hơn rõ rệt ở bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên.
Nghiên cứu không đánh giá tiền sử bị ngã hoặc các vấn đề về thể chất của những người tham gia, chẳng hạn như tốc độ họ có thể đi hay sự bất thường nào về dáng đi. Tabara cho biết, bài kiểm tra đứng bằng một chân là cách dễ dàng để xác định dấu hiệu ban đầu của đột quỵ và suy giảm nhận thức.
“Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng khả năng giữ thăng bằng trên một chân là bài kiểm tra quan trọng đối với sức khỏe của não bộ… Thời gian đứng bằng một chân là thước đo đơn giản để đánh giá sự bất ổn định về tư thế và có thể là hậu quả của sự hiện diện của các bất thường ở não”, Tiến sĩ Yasuharu Tabara, Đại học Kyoto (Nhật), cho hay.
Kết quả cố nghệ sĩ Chí Tài đã không trụ được quá vài giây khi thực hiện thử thách này
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng đã đưa ra bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ mang tên One Leg Challenge (thử thách đứng một chân). Ngay sau đó, thử thách này cũng nhanh chóng thu hút sự tham gia từ nhiều nam giới trên 40 tuổi.
Nam giới sau 40 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc đột quỵ khá cao nên việc thực hiện thử thách này có thể giúp phát hiện ra bệnh từ sớm. Điều quan trọng là thử thách này không mất chi phí gì cả và hoàn toàn có thể thực hiện ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu.
Xuyên suốt quá trình làm thử thách, người thực hiện sẽ phải đứng bằng một chân, hai chân để cách không chạm nhau, tay không chạm vào cơ thể. Để tăng độ khó, các quý ông còn nhắm mắt khi đứng và bấm giờ thực hiện, người nào đứng càng lâu thì nguy cơ bị đột quỵ càng thấp.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết bệnh lý đột quỵ cũng có thể liên quan đến khả năng giữ thăng thằng. Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn là một trong những dấu hiệu nhận biết một người có nguy cơ bị đột quỵ.
Tuy nhiên theo chuyên gia điều này không phản ánh chắc chắn 100% nguy cơ đột quỵ. Thử thách đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt liên quan nhiều đến rối loạn thăng bằng hơn là đột quỵ. Người già, người có bệnh parkinson… khả năng giữ thăng bằng sẽ kém hơn.