Thứ năm, 23/01/2025 | 04:02
RSS

Điều chưa biết về “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan

Thứ hai, 15/05/2017, 13:17 (GMT+7)

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng gia tộc họ Trương là những cái tên đầy bí ẩn trong giới doanh nhân Việt.

Gia tộc giàu có nhất Việt Nam

Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh

Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh tại 193 - 203 Trần Hưng Đạo, P. Cô Giang, Quận 1, TP.HCM

Vạn Thịnh Phát được coi là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, và cùng với chủ nhân của nó – bà Trương Mỹ Lan là những cái tên đầy bí ẩn trong giới kinh doanh.

Tập đoàn này và các doanh nghiệp liên quan hiện sở hữu rất nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó phải kể đến 5 dự án/tòa nhà trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, chiếm 1/3 diện tích khu đất “vàng” đắt đỏ nhất TP. Hồ Chí Minh.

Bà Trương Mỹ Lan thành lập Vạn Thịnh Phát năm 1992 với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, hoạt động ban đầu trong mảng thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn, sau đó lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Cùng với sự mở rộng nhanh chóng, Vạn Thịnh Phát thành lập các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ hàng nghìn đến chục nghìn tỷ đồng: CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, trong đó bà Lan sở hữu 80% vốn. Hay CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát góp 41% và bà Lan nắm 15%.

Bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Chu Nap Kee Erci

Bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Chu Nap Kee Erci

 “Hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát còn có một số doanh nghiệp liên quan như Công ty CP Đầu tư An Đông (vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng – Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát góp 20%), Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam (Vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng, thuộc sở hữu của ông Chu Nap Kee Eric – chồng bà Trương Mỹ Lan) và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn đăng ký 18.000 tỷ đồng).

Đây là những doanh nghiệp có quy mô rất lớn xét theo vốn điều lệ, vượt xa nhiều tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam hiện nay như Him Lam của doanh nhân Dương Công Minh (6.500 tỷ đồng); Bitexco của anh em ông Vũ Quang Hội (5.600 tỷ đồng) hay T&T Goup của bầu Hiển (5.000 tỷ đồng), cho thấy mức độ giàu có của gia tộc nhà họ Trương.

Có tên trong hồ sơ Panama?

Cách đây một năm, trong Hồ sơ Panama được Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, có khá nhiều cái tên trùng với những thành viên quan trọng của Vạn Thịnh Phát.

Đầu tiên phải kể tới doanh nhân Chu Nap Kee Eric (có địa chỉ tại Nexxus Building, 41 Connaught Road Central, Hồng Kông, Trung Quốc) liên quan tới các pháp nhân Fortune Point Group Limited, Full Prime Enterprises Limited và Luwei Limited.

Thể nhân có tên trùng với chồng bà Trương Mỹ Lan trong hồ sơ Panama

Thể nhân có tên trùng với chồng bà Trương Mỹ Lan trong hồ sơ Panama

 Cả ba công ty trên đều có địa chỉ đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh – nơi được coi là một trong những “thiên đường” thuế của các nhà tài phiệt trên thế giới và đều có liên hệ với hai pháp nhân Multi-Check Limited và EurAsia ID Concept Group Limited.

Theo dữ liệu từ ICIJ, hai thể nhân Chu Nap Kee Eric và Truong My Lan là người thụ hưởng của EurAsia ID Concept Group Limited, và đồng thời có liên quan tới Multi-Check Limited.

Chu Nap Kee Eric và Truong My Lan và mối liên hệ trong Hồ sơ Panama

Chu Nap Kee Eric và Truong My Lan và mối liên hệ trong Hồ sơ Panama

 Trở lại một trong số các pháp nhân liên quan tới nhân vật có tên Chu Nap Kee Eric trong hồ sơ Panama là Fortune Point Group Limited, doanh nghiệp này có một cổ đông là Truong Lap Hung, có địa chỉ tại House 6, 8 Severn Road, The Peak, Hồng Kông.

Nhân vật có tên Truong Lap Hung có mặt trong Hồ sơ Panama

Nhân vật có tên Truong Lap Hung có mặt trong Hồ sơ Panama

Cũng liên quan tới một pháp nhân khác có liên hệ với thể nhân Chu Nap Kee Eric trong Hồ sơ Panama là Luwei Limited. Doanh nghiệp này năm 2013 đã góp gần 100 tỷ vào Công ty cổ phần An Phú.

Công ty CP An Phú chính là pháp nhân lập ra CTCP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD Group) – đơn vị đã thâu tóm tòa nhà Vincom Center A trên phố đi bộ Nguyễn Huệ từ Vingroup với giá gần 10.000 tỷ đồng, rồi sau đó đổi tên thành Union Square.

Luwei Limited từng đầu tư gần 100 tỷ đồng vào CTCP An Phú. Nguồn: BCTC soát xét bán niên CTCP An Phú năm 2014

Luwei Limited từng đầu tư gần 100 tỷ đồng vào CTCP An Phú. Nguồn: BCTC soát xét bán niên CTCP An Phú năm 2014

An Phú cũng từng gây xôn xao trong giới tài chính khi đầu tư 400 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trong “hệ sinh thái” các doanh nghiệp liên quan tới Vạn Thịnh Phát, còn xuất hiện một cái tên đáng chú ý là Công ty CP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú. Trước khi SCB hợp nhất với Đệ Nhất Bank và Tín Nghĩa Bank vào cuối năm 2011, Việt Vĩnh Phú từng sở hữu tỷ lệ vốn đáng kể và cùng Vạn Thịnh Phát cử người nắm giữ các chức vụ quan trọng tại nhà băng này.

Việt Vĩnh Phú cho tới nay vẫn nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn ở SCB, với đại diện là ông Tạ Chiêu Trung, người Hoa, làm thành viên HĐQT.

Đáng chú ý, ba cổ đông nước ngoài (nắm 49,5% vốn điều lệ) của Việt Vĩnh Phú là Magic Luck, Lionyear và Prosperity đều có trụ sở tại quần đảo Virgin của Anh – nơi nổi tiếng là “thiên đường” thuế.

Những công ty trên mặc dù không có trong hồ sơ Panama, tuy nhiên địa chỉ trụ sở lại trùng với hàng chục pháp nhân khác có tên trong hồ sơ này.

Mối quan hệ khăng khít của Việt Vĩnh Phú và Vạn Thịnh Phát ngoài việc thể hiện qua góp vốn nắm quyền ở SCB hay Việt Vĩnh Phú có trụ sở tại tòa nhà Vạn Thịnh Phát số 8 Nguyễn Huệ, thì còn được hé lộ qua việc hai doanh nghiệp góp vốn thành lập Công ty CP Đường Khánh Hội với vốn điều lệ 2.600 tỷ đồng, song từ thời điểm thành lập (2006) tới nay gần như không có hoạt động.

Nghi Điền - Thủy Tiên
Theo Đời sống Pháp luật