Ảnh minh họa.
Theo VTV News thông tin, hiện nay sốt xuất huyết đã bùng phát mạnh ở 16/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai với 308 ca mắc, tăng 57% so với cùng kì năm ngoái. Các huyện có số bệnh nhân bị sốt xuất huyết cao là Ia Grai, Ia Pa, Chư Prông, Krông Pa, Chư Pưh, Pleiku, Đăk Đoa với 112 ổ dịch. Cá biệt, có 1 trường hợp tử vong là một bệnh nhân nữ (sinh năm 2002) ở thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa.
Theo đó, ngành y tế tỉnh Gia Lai nhận định, các ca bệnh mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh từ tháng 5 và kéo dài đến nay vì thời điểm này là cao điểm mùa mưa, ẩm thấp, tạo điều kiện cho dịch bùng phát, trong khi người dân vẫn còn chủ quan phòng bệnh.
Chi sẻ với PV VOV, Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, dịch sốt xuất huyết có khả năng sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ngành y tế địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh diệt muỗi tại những vùng có dịch, tổ chức tốt việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân để giảm thiểu các ca mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Được biết, Sở Y tế tỉnh đã có chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế, y tế dự phòng chủ động giám sát, điều tra mật độ muỗi, lăng quăng, bọ gậy để kịp thời phát hiện yếu tố nguy, có biện pháp xử lý theo quy định.
Theo Dân Trí thông tin, kể từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái), tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Trong đó đã có 22 người tử vong (tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái) tại TPHCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).
Riêng tại TP HCM, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca (tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết và lây lan cho cộng đồng, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách dành từ 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Người dân cần lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà…; đậy kín lu chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, người dân có thể thả cá để diệt lăng quăng; sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt. Theo khuyến cáo của Bác sỹ, vào mùa mưa, khi trong gia đình có người sốt liên tục từ 2-3 ngày cần nghĩ đến sốt xuất huyết và đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Sau khi xác định mắc sốt xuất huyết, có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như: sốt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc, nôn ra máu... |