Chia sẻ trên Dân trí ngày 8/6, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, thời gian gần đây đơn vị này tiếp nhận cứu chữa cho nhiều bệnh nhi trong tình trạng bỏng nặng nhiều bộ phận trên cơ thể (mặt, cổ, ngực, tay chân, thậm chí là bộ phận sinh dục) do cồn, xăng. Tại bệnh viện, các bệnh nhi bỏng nặng ngoài cắt lọc, ghép da hoại tử còn phải quấn băng gạc khắp người, chịu đau đớn kéo dài.
Điển hình là trường hợp bé M. (2 tuổi). Qua khai thác bệnh sử, cha bé là thợ sửa máy, trong lúc làm việc có thao tác chiết bình xăng. Chị em M. đang chơi gần đó bất cẩn làm đổ xăng, khiến chất đốt lan xuống khu vực nhà bếp, phát hỏa. Ngọn lửa bùng lên quá nhanh không ai kịp xử trí.
Trường hợp khác cũng nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng là bé Đ. (8 tuổi). Theo lời người nhà, vì cha hay đi công tác nên gia đình thường trang bị cồn để sát khuẩn, phòng dịch. Trong lúc không để ý, bé Đ. cầm chai cồn chạy qua khu bếp đang nấu thức ăn, bị lửa bén vào quần áo, khiến bé bị cháy trong khoảng một phút, trước khi được gia đình phát hiện, dội nước và đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Theo các bác sĩ, bỏng là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân của bỏng thường do nước sôi, thiết bị điện, các trường hợp cháy, nổ, đặc biệt càng dễ phát sinh trong mùa nắng nóng. Thương tích của bỏng nếu nhẹ sẽ làm da hư, nhiễm trùng, còn nặng hơn thì để lại sẹo co rút, sẹo lồi, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.
Để tránh xảy ra các sự việc đau lòng như trên, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên hết sức thận trọng, để các chất dễ cháy, nổ ở xa tầm tay của trẻ, thường xuyên kiểm tra các nguồn điện, thiết bị điện. Ngoài ra khi trẻ bị bỏng, cha mẹ tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian như bôi lòng đỏ trứng, nước mắm, thoa mỡ trăn, kem đánh răng lên vì có thể khiến vết bỏng nhiễm trùng, tình trạng nặng nề hơn.
Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TTXVN
Theo Sức khoẻ & Đời sống, ngoài cồn, xăng thì các bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu và điều trị nhiều trẻ bị tai nạn tại nhà. Cụ thể, cuối tháng 5/2022, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé K. (8 tuổi, ở Long An). Bé được chuyển đến bệnh viện khi đã bị nhiễm trùng máu. Em bé này trước đó đi bắt cá ở ruộng, đạp phải vật cứng bị đứt sâu lòng bàn chân trái.
Thấy con bị chảy máu nhiều, người nhà bé lấy thuốc lá, thuốc rê và mạng nhện đắp cầm máu. Gia đình nghĩ máu ngừng chảy nghĩa là bé chỉ bị đứt chân bình thường không ngờ vết thương bị nhiễm trùng, gây đau nhức nhiều ngày. Đến khi bé chịu không nổi, đưa vào bệnh viện đã quá muộn. Theo các bác sĩ, nếu qua khỏi, bé vẫn gặp nhiều tổn thương do phải cắt cụt chân trái.
Một trường hợp khác là bệnh nhi 10 tuổi, ở Bình Phước nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, đầu sưng phù, thở mệt, lả người... Trước đó, bé bị ngã cây từ độ cao 3m. Sau ngã, bé tỉnh táo, được đưa vào nhà nhưng tới chiều nôn ói liên tục phải đưa đi viện gấp.
Kết quả chụp CT-Scan sọ não phát hiện bé bị xuất huyết não ngoài màng cứng vùng thái dương đính chẩm phải. Quyết định mổ khẩn cấp được đưa ra, các bác sĩ lấy ra 50ml máu tụ, cứu bé ngay trong đêm. Hiện bé không còn đau đầu, nôn ói, sức khỏe đang tiến triển tốt.
Các bác sĩ cho biết, hiện tại, trẻ em đã bắt đầu nghỉ hè, trong khi cha mẹ vẫn đi làm thì trẻ được ở nhà. Có gia đình gửi con cho người giúp việc, ông bà trông giữ; có gia đình trẻ tự trông nhau. Do đó, cha mẹ không nên chủ quan trong việc chăm sóc, quan sát trẻ. Khi xảy ra tai nạn, người thân trong gia đình không biết hoặc nghĩ trẻ chỉ bị vết trầy xước bên ngoài, vô tình bỏ qua các biểu hiện bất thường ở trẻ.