Thứ năm, 21/11/2024 | 20:48
RSS

Bé 6 tháng tuổi bỏng nặng, nhiễm trùng máu do xông hơi phòng Covid-19

Thứ sáu, 04/03/2022, 11:07 (GMT+7)

Sau tai nạn trong lúc xông hơi phòng Covid-19, bé được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị. Các bác sĩ xác định bé bị bỏng độ III, mu bàn chân trái nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết.

Sự kiện:
Covid-19

Sáng 4/3, VNExpress dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhi 6 tháng tuổi bị bỏng, nhiễm trùng huyết sau khi xông mũi họng để phòng covid-19

Theo chia sẻ của chị H. – mẹ cháu bé, do hàng xóm gần nhà có người bị nhiễm Covid-19 và trong gia đình có người thường xuyên phải đi làm tiếp xúc bên ngoài, lo sợ con và cả nhà bị nhiễm Covid -19 nên gia đình đã tự mua máy xông về xông mũi họng hàng ngày.

Tuy nhiên, trong lúc người nhà bế bé đứng xông mũi họng, không may chân bé đá vào máy xông làm nước sôi từ máy xông đổ vào chân của trẻ. Sau đó, bé quấy khóc nhiều, bỏng toàn bộ mu bàn chân trái. Người nhà đã tự sơ cứu cho bé bằng cách xả nước lạnh lên chân trẻ, trong quá trình xả nước do chân trẻ đeo tất nên người nhà đã tháo tất làm toàn bộ vùng da mu bàn chân trái của trẻ bị lột ra ngoài.

Sau tai nạn, bé được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương điều trị, sau đó chuyển đến Đơn vị bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị bỏng độ III mu bàn chân trái nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết. Bé được điều trị tích cực tại đơn vị Bỏng, hiện sức khoẻ bé đang dần ổn định.

Bé 6 tháng tuổi bỏng nặng, nhiễm trùng máu do xông hơi phòng Covid-19

Bệnh nhi đang được theo dõi, điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VNExpress

Trước đó, theo thông tin trên Tuổi trẻ Online ngày 24/2, các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đang tích cực chữa trị cho hai bệnh nhi bị bỏng do xông hơi bằng nước lá để phòng Covid-19.

Trường hợp thứ nhất là bé N.T.K. (4 tuổi, quê huyện Tân Kỳ, Nghệ An), được mẹ mua lá về xông cho cả nhà. Trong lúc mẹ bé K. bế vào lòng để cùng xông thì em bé ưỡn người lên làm nghiêng nồi xông nóng rực lên bé. Bé K. nhập viện bị tổn thương bỏng vùng ngực, đùi trái, tay trái. Hiện sau khi được điều trị tích cực sức khỏe của bé K. đã ổn định.

Trường hợp thứ hai là bé V. (14 tuổi, TP Vinh) trong lúc xông hơi ở nhà cũng bất cẩn vướng vào quai nồi. Nước lá xông vừa sôi đã đổ xuống chân khiến em bị bỏng. Bé  V. được gia đình đưa đến cơ sở y tế sơ cứu, rồi tiếp tục tới thầy lang đắp thuốc.

Tuy nhiên, tình trạng của bé V. không đỡ, vết bỏng ngày càng sưng nề, chảy dịch đục, gây đau đớn nhiều mới được chuyển vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da tạo hình vạt che phủ, điều trị phác đồ bỏng chuyên sâu. Hiện sức khỏe của bé V. đã ổn định.

Bé 6 tháng tuổi bỏng nặng, nhiễm trùng máu do xông hơi phòng Covid-19

Các bậc phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Phùng Công Sáng – Phó trưởng khoa Chỉnh hình, kiêm phụ trách đơn vị bỏng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây bỏng có nhiều loại, trong đó nước sôi là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ bỏng nhất. Đây là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1-6.

Do lớp da trẻ em có những đặc điểm khác người lớn như mỏng hơn, sức chịu nhiệt kém nên khi bị bỏng mức độ sẽ nặng, sâu hơn người lớn, thậm chí gây tổn thương tận cơ, xương, mạch máu, thần kinh, nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cũng cao hơn người lớn.

Bác sĩ Sáng khuyến cáo, việc sơ cứu ban đầu đúng khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho tổn thương bỏng đỡ sâu, nặng thêm và giảm nguy cơ bội nhiễm. Xử trí không đúng cách ngay từ đầu, điều trị vùng bỏng chưa đúng và  tốt  có thể khiến vết bỏng nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, sẹo co kéo, nguy cơ để lại những thương tật vĩnh viễn cho các bé.

Trong khi đó, các sĩ Thái Văn Bình - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An nhấn mạnh, các bậc phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại